Hiệp Khách Quậy Chúng tôi trải qua vài ngày sau đó tại Tabriz, trong lúc tôi hồi phục sức khỏe từ chứng kiết lị trầm trọng và do một xương sườn bị gãy trên xe bus lúc tôi bị hất văng ra phía trước ghế ngồi, vẫn chẳng hay biết gì về thảm họa vì chúng tôi đâu có biết tiếng Farsi. Mãi đến khi tới Istanbul chúng tôi mới... Xin mời đọc tiếp.
Chúng tôi trải qua vài ngày sau đó tại Tabriz, trong lúc tôi hồi phục sức khỏe từ chứng kiết lị trầm trọng và do một xương sườn bị gãy trên xe bus lúc tôi bị hất văng ra phía trước ghế ngồi, vẫn chẳng hay biết gì về thảm họa vì chúng tôi đâu có biết tiếng Farsi. Mãi đến khi tới Istanbul chúng tôi mới biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi gửi một tấm bưu thiếp về cho bố mẹ, họ đã lo lắng chờ đợi trong mười ngày rồi, vì lần cuối họ nghe nói tôi rời Tehran đi sang vùng thảm họa vào đúng cái ngày động đất. Mặc kệ cơn địa chấn, tôi đã có nhiều kỉ niệm đẹp trong đời mình ở Iran. Sự hiếu kì mãnh liệt về thế giới có thể đưa người ta vào con đường nguy hiểm, nhưng đối với tôi có lẽ đây là lần duy nhất trong đời tôi điều này là đúng.
Tháng Mười năm 1962, tôi tròn hai mươi tuổi khi tôi vào học khoa toán học ứng dụng và vật lí lí thuyết ở Cambridge. Tôi nộp đơn xin làm với Fred Hoyle, nhà thiên văn học người Anh nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Tôi nói thiên văn học, bởi lẽ thời ấy vũ trụ học khó mà được công nhận là một lĩnh vực chính thống. Tuy nhiên, Hoyle đã nhận đủ học trò rồi, vì thế hết sức thất vọng, tôi nộp đơn sang Dennis Sciama, người chưa từng nghe nói tới. Nhưng đúng là may thật khi tôi không từng là học trò của Hoyle, nếu không tôi đã bị cuốn vào việc bảo vệ lí thuyết trạng thái-tĩnh của ông, một nhiệm vụ còn khó hơn cả việc dàn xếp Brexit. Tôi bắt đầu công việc của mình bằng cách đọc những giáo trình xưa cũ về thuyết tương đối rộng – như thường lệ, tôi lại bị cuốn vào những câu hỏi lớn.
Như một số bạn có lẽ đã thấy trong bộ phim mà Eddie Redmayne đóng một phiên bản đặc biệt soái ca của tôi, trong năm thứ ba tôi học ở Oxford tôi để ý thấy dường như bản thân mình ngày càng lóng ngóng. Tôi cảm thấy thế một đôi lần và không thể hiểu nổi vì sao, và tôi để ý thấy tôi không còn khả năng điều khiển cái thuyền chèo cho đúng nữa. Rõ ràng có cái gì đó trục trặc, và tôi có phần bực bội khi một bác sĩ lúc ấy bảo tôi rằng đừng có uống bia nữa.
Mùa đông sau khi tôi vào học Cambridge trời rất lạnh. Tôi nằm ườn ở nhà trong kì nghỉ Giáng sinh, trong khi mẹ tôi thuyết phục tôi đi trượt băng trên hồ ở St Albans, dù tôi biết rằng tôi không có trượt nổi. Tôi cảm thấy uể oải và hết sức khó năng động trở lại. Mẹ tôi nhận ra có cái gì đó không ổn và bà đưa tôi đi gặp bác sĩ.
Tôi trải qua vài tuần trong bệnh viện St Bartholomew ở London và có nhiều xét nghiệm. Vào năm 1962, các xét nghiệm có phần cổ lỗ hơn so với ngày nay. Một mẩu cơ được trích từ cánh tay tôi, họ gắn các điện cực vào người tôi và tiêm vào gai sống của tôi một chất lỏng mờ đục vô tuyến, các bác sĩ theo dõi chuyển động lên xuống của nó bằng tia X, khi cái giường bệnh nghiêng đi. Thật ra họ không hề nói tôi biết cái gì không ổn, nhưng tôi đoán đủ biết tình hình tệ lắm, thế nên tôi cũng chẳng thèm hỏi. Tôi góp nhặt từ các trao đổi của bác sĩ rằng nó, dù cho “nó” là thứ gì, sẽ càng trầm trọng hơn, và họ chẳng thể làm được gì ngoài việc cho tôi uống vitamin. Thật vậy, vị bác sĩ tiến hành các xét nghiệm đã bó tay với tôi và tôi không bao giờ nhìn thấy ông ta lần nào nữa.
Rồi một lúc nào đó tôi cũng phải biết rằng chẩn đoán của bác sĩ là ALS (amyotropic lateral sclerosis – xơ cứng teo cơ một bên), một loại bệnh về neuron vận động, trong đó các tế bào thần kinh của não và dây sống teo lại và rồi làm sẹo hoặc xơ cứng. Tôi cũng biết rằng những người mắc chứng này sẽ dần dần mất khả năng điều khiển cử động của họ, rồi sẽ không nói được, không ăn được, và cuối cùng là không thở được.
Bệnh tình của tôi có vẻ diễn tiến nhanh. Bạn có thể hiểu đấy, tôi trở nên suy sụp và thấy không còn khả năng tiếp tục nghiên cứu luận án tiến sĩ của mình, vì tôi chẳng biết mình có sống tới ngày hoàn thành nó hay không. Nhưng rồi diễn biến bệnh tình chậm lại và rồi tôi có nhiệt tình trở lại để làm việc. Sau khi những kì vọng của tôi đã giảm xuống tới mức zero, mỗi ngày mới trở thành một ân huệ, và tôi bắt đầu hiểu rõ mỗi thứ mà tôi thật sự có được. Còn sống là còn hi vọng.
Và, tất nhiên, còn có một người phụ nữ trẻ tên gọi là Jane mà tôi từng gặp ở một bữa tiệc. Cô rất quả quyết rằng chúng tôi có thể cùng nhau chiến đấu với bệnh tật của tôi. Sự tự tin của cô đã cấp cho tôi hi vọng. Việc đính hôn khiến tinh thần tôi thêm phấn chấn, và tôi nhận ra, nếu chúng tôi đi tới kết hôn, tôi phải có việc làm và phải làm cho xong luận án tiến sĩ. Và lúc nào cũng vậy, những câu hỏi lớn lại thôi thúc tôi. Tôi bắt đầu nghiên cứu cật lực và tôi thấy thích thú.
Để có tiền xoay sở trong lúc làm nghiên cứu, tôi làm đơn xin học bổng nghiên cứu sinh tại Gonville và Cauis College. Trước sự bất ngờ kinh khủng của tôi, tôi được chọn và được nhận học bổng Cauis đầu tiên. Học bổng ấy là một bước ngoặc trong cuộc đời tôi. Nó có nghĩa là tôi có thể tiếp tục làm nghiên cứu bất chấp tình trạng tê liệt đang nghiêm trọng dần của tôi. Nó cũng có nghĩa là Jane và tôi có thể lấy nhau, và chúng tôi kết hôn vào tháng Bảy năm 1965. Đứa con đầu lòng của chúng tôi, Robert, chào đời sau khi chúng ta cưới nhau chừng hai năm. Đứa thứ hai, Lucy, chào đời muộn hơn ba năm sau đó. Đứa thứ ba, Timothy, lọt lòng vào năm 1979.
Là một người bố, tôi sẽ cố gắng truyền cảm hứng về tầm quan trọng của việc nêu câu hỏi, luôn luôn là thế. Cậu con trai Tim của tôi từng kể một câu chuyện trong một buổi phỏng vấn về việc nêu một câu hỏi mà lúc ấy tôi cho rằng thằng bé lo lắng ngớ ngẩn quá. Anh chàng muốn biết liệu có rất nhiều vũ trụ li ti lấm chấm ngoài kia hay không. Tôi bảo nó đừng bao giờ ngại đi tới một ý tưởng hay một giả thuyết cho dù nó có vẻ gàn dỡ (lời của nó, không phải của tôi) như thế nào đi nữa.
Stephen Hawking thời nhỏ
Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn | Stephen Hawking