Hiệp Khách Quậy Trong số những câu chuyện kể về Albert Einstein, thì câu chuyện “sai lầm lớn nhất” của ông nằm trong danh sách đầu bảng. Câu chuyện bắt đầu với một vấn đề khiến Einstein cảm thấy bất an: Làm thế nào thuyết tương đối rộng của ông có thể là đúng và vũ trụ thì bền vững? Nếu lí thuyết của ông là đúng, thì... Xin mời đọc tiếp.
Trong số những câu chuyện kể về Albert Einstein, thì câu chuyện “sai lầm lớn nhất” của ông nằm trong danh sách đầu bảng. Câu chuyện bắt đầu với một vấn đề khiến Einstein cảm thấy bất an: Làm thế nào thuyết tương đối rộng của ông có thể là đúng và vũ trụ thì bền vững? Nếu lí thuyết của ông là đúng, thì vũ trụ sẽ co sụp lại – nó không thể nào bền vững, như các nhà vật lí lúc ấy tin như vậy.
Để cho các phương trình của ông hoạt động, vào năm 1917 Einstein đã đưa thêm một số hạng nữa vào chúng, biểu diễn bởi kí tự Hi Lạp lambda (λ) – “hằng số vũ trụ học”. Số hạng mới đó biểu diễn một lực đẩy sẽ kháng lại lực hút hấp dẫn, giữ cho vũ trụ được nguyên vẹn.
Nhưng trong những năm tháng sau đó, bằng chứng cho thấy niềm tin vào sự vĩnh hằng của vũ trụ hóa ra là sai lầm: Vũ trụ thật ra đang giãn nở. Giá như Einstein giữ nguyên phương trình trước đó của ông, thì ông đã có thể tiên đoán đặc điểm quan trọng này của vũ trụ, nhưng thay vậy ông đã cố bịa ra một đại lượng mới để bảo vệ một giả thuyết sai lầm. Theo người ta kể, Einstein đã gọi đó là “sai lầm lớn nhất” của đời ông, và cụm từ đó (hay những biến thể khác của nó) đã được nhắc đi nhắc lại hàng nghìn lần, trong sách vở và báo chí thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Vấn đề là Einstein có lẽ chưa từng thốt ra cụm từ “sai lầm lớn nhất”.
Nhà thiên văn vật lí và tác giả viết sách Mario Livio cho biết không có tư liệu nào để có thể đưa những từ đó vào cửa miệng của Einstein (hay vào ngòi bút của ông). Thay vậy, toàn bộ những chỉ dẫn tham khảo cuối cùng đều quy về một mối là nhà vật lí George Gamow, người đã viết rằng Einstein sử dụng cụm từ trên trong hai nguồn tư liệu: cuốn tự truyện xuất bản sau khi ông qua đời My World Line (1970) và một bài báo trên tạp chí Scientific American số tháng 9/1956.
Ảnh chụp màn hình của bài báo năm 1956 trên tờ Scientific American trong đó Gamow lần đầu tiên nhắc lại lời khẳng định của Einstein.
Theo Livio lí giải chi tiết trong quyển sách mới của ông, Những sai lầm sáng giá, thì đây là chỗ không đáng tin cậy. Trước tiên, mặc dù là nhà vật lí lỗi lạc, nhưng Gamow có chút tính khí mà chúng ta gọi là “ương gàn”. Chẳng hạn, có lần Gamow hợp tác với một anh sinh viên có tên là Ralph Alpher viết chung một bài báo. “Sau đó ông nhận thấy,” theo lời kể của Livio, “nếu ông thêm một đồng tác giả nữa là nhà thiên văn vật lí nổi tiếng Hans Bethe, thì ba cái tên sẽ đọc là Alpher Bethe Gamow, giống như alpha beta gamma, mặc dù Hans Bethe chẳng làm gì cho bài báo đó hết.” (Vợ của ông, theo Livio, có lần nhận xét rằng, “Trong hơn hai mươi năm chung sống, chẳng có lúc nào Geo sướng hơn lúc ông ta làm chuyện bông đùa.”)
Chi tiết này về Gamow khiến Livio nghi ngờ. Liệu khả năng Gamow kể lại lời thú nhận của Einstein có đáng tin cậy không? Theo Livio thì câu trả lời là không.
Livio đã tìm đọc hầu như mọi bài báo mà Einstein từng viết, ông còn đích thân đến tham khảo kho tư liệu Einstein ở Jerusalem. “Và không có chỗ nào tôi tìm thấy cụm từ ‘sai lầm lớn nhất’ cả,” Livio nói. “Tôi không tìm thấy nó - ở bất cứ chỗ nào.”
Vì thế, ông chuyển sang chú ý tới quan hệ thư từ giữa Einstein và Gamow, và đây là chỗ câu chuyện của Gamow bắt đầu trông tệ hại hơn. “Einstein đã bộc bạch điều này với Gamow vào lúc nào?”, Livio viết trong quyển sách của ông. Như Gamow kể lại câu chuyện trong quyển tự truyện của ông, ông và Einstein là khá gần gũi, Gamow đến thăm nhà khoa học thâm niên vào mỗi ngày thứ sáu với vai trò người liên lạc giữa Hải quân và Einstein trong Thế chiến thứ hai. “Ông mô tả họ là những người bạn tốt như thế nào, Einstein chào đón ông niềm nở ra sao, và vân vân,” Livio giải thích.
“Vâng, hãy đón xem nào,” Livio viết tiếp. “Tôi tìm thấy một bài báo nhỏ đăng trên một tạp chí có phần ít tên tuổi của Hải quân với tên tác giả là Stephen Brunauer,” nhà khoa học đã tuyển dụng Einstein và Gamow cho Hải quân. Trong bài báo đó, Bruauner viết, “Gamow, trong những năm tháng sau này, tạo ra ấn tượng rằng ông là người liên lạc của Hải quân với Einstein, rằng ông đến thăm Einstein hai tuần một lần, và vị giáo sư ‘lắng nghe’ nhưng không góp ý kiến gì – đều là giả dối cả. Tần suất viếng thăm nhiều nhất là của tôi, và khoảng hai tháng tôi mới đến một lần.” Rõ ràng, theo Livio, Gamow đã phóng đại mối quan hệ của ông với nhà vật lí danh tiếng của chúng ta.
Quan hệ thư từ giữa Einstein và Gamow có vẻ xác nhận nội dung này. Các bức thư khá trịnh trọng, không có bức thư nào thuộc loại thư gửi giữa những người bạn thân. Einstein lịch sự nhưng không tình cảm cho lắm. “Vì thế hãy dừng lại một chút,” Livio nói không chút hồ nghi, “Einstein chưa từng sử dụng cụm từ này với bất kì người bạn thân nào khác, liệu ông có dùng nó nói với Gamow không?”
Thư Einstein gửi cho Gamow, với dòng bình luận viết tay của Gamow ở góc dưới.
“Hãy xem,” Livio nhấn mạnh, “không thể nào - tuyệt đối không thể - chứng minh dứt khoát rằng ai đó không từng nói cái gì đó. Tôi không khẳng định tôi đã chứng minh nó. Nhưng tôi nghĩ rất không có khả năng Einstein từng sử dụng cụm từ này.”
Hơn nữa, ở đây không nói là Einstein hài lòng với hằng số vũ trụ học. “Tôi không nói ông ta không tiếc nuối,” Livio nói. “Chắc chắn ông ta tiếc nuối. Ông đã viết về chuyện đó với một số người bạn. Ông nghĩ nó là chỗ bực mình”.
Nhưng việc nói nó là “sai lầm lớn nhất” của ông hàm ý mức độ tiếc nuối mà Einstein không hề cảm thấy. Trái lại, khi ông viết về sai sót đó (trong những năm gần đây thì hóa ra đó chưa hẳn là một sai sót như Einstein từng nghĩ, nhưng đó là một câu chuyện khác rồi), ông điềm nhiên với quan điểm rằng rồi khoa học sẽ đánh đổ một số nghiên cứu của ông. Trong một bài báo viết năm 1932 chung với Willem de Sitter, Einstein viết, “Về mặt lịch sử, số hạng chứa ‘hằng số vũ trụ học’ λ được đưa vào các phương trình trường để cho phép chúng ta giải thích trên phương diện lí thuyết sự tồn tại của một mật độ trung bình hữu hạn trong một vũ trụ tĩnh. Hiện nay hình như trong trường hợp động, kết luận này có thể được đạt tới mà không cần sự có mặt của λ.” Và chỉ bấy nhiêu đó thôi.
Tuy nhiên, cuộc đời Einstein đúng là có một nỗi niềm tiếc nuối, và nó không liên quan gì đến cái đẹp của những phương trình tính toán của ông. Sau một chuyến đến thăm nhà khoa học lão thành tại Princeton vào ngày 16 tháng 11, 1954, Linus Pauling đã viết trong nhật kí của ông như sau: “Ông nói rằng ông đã phạm phải một sai lầm lớn – khi ông kí tên vào bức thư gửi tổng thống Roosevelt đề nghị chế tạo bom nguyên tử; nhưng ông có lời bào chữa cho chuyện đó – vì nếu người Đức mà có chúng thì sẽ còn nguy hiểm hơn.”
Đoạn nhật kí của Linus Pauling viết ngày 16 tháng 11, 1954
Những sai lầm của khoa học thì có thể khắc phục dần theo thời gian. Còn những sai lầm của lương tri thì khó mà “undo” được.
Theo The Atlantic