Hiệp Khách Quậy Các nhà thiên văn vừa sử dụng Kính thiên văn Hobby-Eberly tại trường Đài thiên văn McDonald thuộc trường ĐH Texas ở Austin để đo khối lượng của cái có lẽ là lỗ đen khổng lồ nhất từ trước đến nay trong thiên hà NGC 1277 – nó có khối lượng bằng 17 tỉ Mặt trời. Lỗ đen khổng lồ trên chiếm tới 14% khối lượng... Xin mời đọc tiếp.
Các nhà thiên văn vừa sử dụng Kính thiên văn Hobby-Eberly tại trường Đài thiên văn McDonald thuộc trường ĐH Texas ở Austin để đo khối lượng của cái có lẽ là lỗ đen khổng lồ nhất từ trước đến nay trong thiên hà NGC 1277 – nó có khối lượng bằng 17 tỉ Mặt trời. Lỗ đen khổng lồ trên chiếm tới 14% khối lượng của thiên hà của nó, thay vì thông thường chỉ là 0,1%. Thiên hà này và một số thiên hà trong nghiên cứu trên có thể buộc chúng ta phải sửa mới các lí thuyết hình thành và tiến hóa của các lỗ đen và thiên hà. Công trình công bố trên tạp chí Nature, số ra ngày 29 tháng 11.
Ảnh chụp thiên hà hình hạt đậu NGC 1277 bởi Kính thiên văn vũ trụ Hubble. Ảnh: NASA/ESA/Andrew C. Fabian
Thiên hà NGC 1277 nằm cách chúng ta 220 triệu năm ánh sáng theo hướng chòm sao Perseus. Thiên hà này nhỏ chỉ bằng 10% khối lượng và kích cỡ của Dải Ngân hà của chúng ta. Bất chấp kích cỡ khiêm tốn của NGC 1277, lỗ đen tại tâm của nó lại to gấp 11 lần quỹ đạo của Hải Vương tinh xung quanh Mặt trời.
Ảnh chụp thiên hà NGC 1277 (giữa) nằm trong đám thiên hà Perseus. Ảnh: David W. Hogg, Michael Blanton, SDSS Collaboration
Hiện nay, có đến ba cơ chế hoàn toàn khác nhau giải thích mối liên hệ giữa khối lượng lỗ đen và tính chất của thiên hà chủ. Chúng ta vẫn chưa hiểu nổi lí thuyết nào trong số này là tốt nhất. Vấn đề hiện nay là thiếu số liệu nghiên cứu. Các nhà thiên văn chỉ mới biết khối lượng của chưa tới 100 lỗ đen nằm trong các thiên hà. Nhưng việc đo khối lượng lỗ đen không dễ dàng gì và tốn nhiều thời gian. Cho nên, để thuận tiện, các nhà thiên văn đã chọn một mẫu rất lớn gồm những thiên hà đồ sộ nhất trong vũ trụ láng giềng để tìm hiểu mối liên hệ giữa lỗ đen và thiên hà chủ của chúng.
Minh họa kích cỡ của siêu lỗ đen NGC 1277. Đường kính chân trời sự kiện của nó gấp 11 lần đường kính quỹ đạo của Hải Vương tinh.
Khối lượng của lỗ đen NGC 1277 lớn hơn nhiều so với người ta dám nghĩ. Kết quả này khiến người ta phải nghĩ rằng những thiên hà rất lớn phải có một quá trình vật lí khác để cho các lỗ đen của chúng hình thành và lớn lên.
123physics (thuvienvatly.com)
Theo PhysOrg.com, ĐH Texas