Luis Walter Alvarez (1911 – 1988)

Hiệp Khách Quậy Trong những năm đầu làm nhà vật lí nghiên cứu tại trường Đại học California ở Berkeley hồi thập niên 1930, Luis Alvarez đã mang biệt danh “người đàn ông lí tưởng”, cái tên ghi nhận những nghiên cứu sâu rộng của ông và khả năng của ông nhận dạng những câu hỏi quan trọng cần giải quyết. Là một thành viên... Xin mời đọc tiếp.

Alvarez, Luis Walter
(1911 – 1988)

Nhà vật lí

Trong những năm đầu làm nhà vật lí nghiên cứu tại trường Đại học California ở Berkeley hồi thập niên 1930, Luis Alvarez đã mang biệt danh “người đàn ông lí tưởng”, cái tên ghi nhận những nghiên cứu sâu rộng của ông và khả năng của ông nhận dạng những câu hỏi quan trọng cần giải quyết. Là một thành viên của Dự án Manhattan, dự án chế tạo bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai, Alvarez đã đi theo Enola Gay, chiếc máy bay thả quả bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nhật Bản, trong một chiếc máy bay ném bom B-29 khác, từ đó ông đã chứng kiến sự hủy diệt của thành phố Hiroshima. Alvarez còn cải tiến kĩ thuật buồng bọt do nhà vật lí Đại học Michigan Donald Glaser phát minh ra, để dùng phối hợp với các máy gia tốc hạt nhận dạng những hạt sơ cấp trước đó chưa biết. Công trình này đã mang về cho ông giải Nobel vật lí năm 1968; nhưng ông không hề ngủ quên trên những cành nguyệt quế này, ông vẫn tích cực và sáng tạo trong vật lí học trong 20 năm tiếp sau đó.

Luis Alvarez

Là một thành viên của Dự án Manhattan, Luis Alvarez đã chứng kiến sự hủy diệt của thành phố Hiroshima từ một chiếc B-29 bay sau Enola Gay, chiếc máy bay đã thả quả bom nguyên tử xuống Hiroshima.

Alvarez sinh ngày 13 tháng 6 năm 1911, ở San Francisco, California, là con của tiến sĩ Walter Clement Alvarez, một nhà nghiên cứu sinh lí học tại trường Đại học California (UC), San Francisco, và bà Harriet Skidmore Smythe, một phụ nữ Ireland có gia đình đã lập một trường truyền giáo ở Foochow, Trung Quốc. Alvarez có hai người con, Walter và Jean, với bà vợ thứ nhất của ông, Geraldine Smithwick, một đồng hữu sinh viên Đại học Chicago, nhưng mối quan hệ của họ chấm dứt do sức ép của sự chia cắt thời chiến. Alvarez có hai người con nữa, Donald và Helen, với bà vợ thứ hai của ông, Janet Landis, họ cưới nhau vào năm 1958.

Alvarez vào trường Đại học Chicago vào năm 1928, lấy bằng cử nhân khoa học vào năm 1932, và ra trường vào năm 1936 với học vị tiến sĩ vật lí. Ông cảm kích người cố vấn học tập của ông, nhà khoa học đoạt giải Nobel Arthur Compton, không phải vì đã chỉ dẫn ông mà vì đã không can thiệp trong khi ông tự dìm mình trong nghiên cứu của ông. Tại UC Berkeley, ông tiến hành nghiên cứu bên cạnh hai người đoạt giải Nobel khác, Ernest Orlando Lawrence và Felix Bloch.

Alvarez nhanh chóng giành về danh hiệu người đàn ông lí tưởng tại UC Berkeley với ba khám phá lớn vào thập niên 1930. Trong năm đầu tiên tại đó ông đã khám phá ra cách các hạt nhân nguyên tử phân hủy và các electron quỹ đạo hấp thụ chúng, một quá trình gọi là sự bắt electron-K. Sau đó, ông phát minh ra một đèn hơi thủy ngân cùng với một sinh viên, và cùng với Bloch ông đã phát triển một quá trình xác định moment từ của neutron bằng cách làm chậm chuyển động của chúng trong một chùm hạt. Vào đầu thập niên 1940, ông tiến hành nghiên cứu cho quân đội tại Viện Công nghệ Massachusetts về hệ thống dò tầm vô tuyến, phát triển ba loại radar mới trong ba năm.

Alvarez không hề thấy tội lỗi về vai trò của ông trong sự phát triển của bom nguyên tử và ông tiếp tục ủng hộ công nghệ hạt nhân, vì ông tin rằng các lợi ích vượt xa những tiêu cực. Sau chiến tranh, Alvarez dành nghiên cứu của ông cho vật lí hạt cơ bản, xây dựng những máy gia tốc hạt lớn hơn và nhanh hơn. Alvarez đã cải tiến thiết kế buồng bọt của Glaser để sử dụng hydrogen lỏng thay cho diethyl-ether làm chất lỏng cho các hạt đi qua, để lại những vết bọt của chúng. Bằng phương pháp này, ông đã khám phá ra hàng tá hạt sơ cấp mới.

Trong những năm cuối sự nghiệp của mình, Alvarez triển khai dự án tia muon năng lượng cao (những hạt dưới nguyên tử của bức xạ vũ trụ) tại kim tự tháp Vua Chephren ở Gaza, Ai Cập, để xác định những bí ẩn của nó. Ủy ban Warren đã trưng dụng năng lực vật lí của ông để điều tra vụ án ám sát tổng thống John F. Kennedy. Cuối cùng, ông nhập đội với con trai của mình, nhà địa chất học UC Berkeley, Walter Alvarez, nêu giả thuyết rằng bụi tạo ra bởi sự va chạm của trái đất với một tiểu hành tinh đã gây ra “mùa đông” làm tuyệt chủng loài khủng long, một giả thuyết được chấp nhận rộng rãi dựa trên những lớp lắng iridium trong đá trầm tích Italy.

Alvarez ở lại làm việc cùng trường sở UC Berkeley cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 1978. Giải Nobel năm 1968 và 22 giải thưởng khác mà ông được nhận là minh chứng cho ý nghĩa của sự nghiên cứu của ông. Ông qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 1 tháng 9 năm 1988, ở Berkeley, California.

Trần Nghiêm (thuvienvatly.com)
Trích Encyclopedia of World Scientists

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm