Hiệp Khách Quậy Vào giữa thế kỉ thứ 20, các nhà vật lí tự thấy họ đứng tại giao lộ giữa một bên là nhà khoa học, và một bên là người công dân. Nền khoa học của họ đã giữ một vai trò quan trọng trong việc kết thúc Thế chiến thứ hai, nhưng lúc này nhiều nhà phát triển của bom nguyên tử đã đi vào hoạt động chính trị phản... Xin mời đọc tiếp.
Chương 6
1951 – 1960: Vật lí học và Sự phát triển những công nghệ mới
Vào giữa thế kỉ thứ 20, các nhà vật lí tự thấy họ đứng tại giao lộ giữa một bên là nhà khoa học, và một bên là người công dân. Nền khoa học của họ đã giữ một vai trò quan trọng trong việc kết thúc Thế chiến thứ hai, nhưng lúc này nhiều nhà phát triển của bom nguyên tử đã đi vào hoạt động chính trị phản đối chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Họ cảnh báo về một loại hình chiến tranh mới có thể phá hủy bản thân nền văn minh của chúng ta.
Những người khác thì xem việc ngừng nghiên cứu vũ khí là một sai lầm. Không có quốc gia nào có thể ngăn những kẻ thù mình phát triển những hệ thống vũ khí có nhiều sức mạnh hơn. Do đó, nghiên cứu vũ khí hạt nhân là cần thiết để tự vệ. Trong thế giới thời hậu chiến, những khối liên minh mới, đứng đầu là Mĩ và Liên Xô, đang tăng cường bước vào một loại hình kình địch mới. Chiến trường của cái gọi là chiến tranh lạnh này là hệ tư tưởng, chủ nghĩa tư bản chống lại chủ nghĩa cộng sản. Mỗi bên lúc này đang trút hết tài nguyên của mình thành công nghệ để chứng minh cho sự ưu việt của hệ thống chính trị của bên mình. Họ đang chạy đua phát triển bom khinh khí – những thiết bị nhiệt hạch, giống như Mặt trời, tạo ra từ những phản ứng hợp nhất hạt nhân – và những tên lửa đạn đạo có thể mang những quả bom đó đi xa đến nửa vòng trái đất.
Cho dù có tham gia hoạt động chính trị hay không sau khi chiến tranh kết thúc, đa số các nhà vật lí vẫn hăm hở quay lại với những hứng thú nghiên cứu thời tiền chiến của mình. Một số thì theo đuổi khoa học cơ bản, còn những người khác thì thích nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Trong những năm 1950, nghiên cứu vật lí đã mang lại sự chia sẻ bất ngờ của nó cho các nhà khoa học và công chúng nói chung. Như chương này sẽ trình bày, các máy gia tốc hạt và những detector mới đã dẫn tới sự khám phá ra nhiều hạt hạ nguyên tử trước đó không tưởng tượng nổi. Nhưng từ viễn cảnh lịch sử và văn hóa, sự phát triển có liên quan đến vật lí nổi trội nhất trong thập niên này là trong lĩnh vực điện tử học bán dẫn, đặc biệt là transistor. Nó bắt đầu cho một cuộc cách mạng về truyền thông và máy vi tính tiếp tục 50 năm sau này.
Đối với các nhà vật lí chất rắn, những năm 1950 hóa ra là một thập niên đáng nhớ thật sự. Không những transistor đã mang sự chú ý của công chúng đến cho những ứng dụng thuộc lĩnh vực nghiên cứu của họ, mà một đột phá lí thuyết còn giải được bí ẩn của sự siêu dẫn, 46 năm sau khi hiện tượng được phát hiện ra. Cả hai thành tựu đều mang lại giải Nobel vật lí – năm 1956 cho transistor và năm 1972 cho sự siêu dẫn. Cả hai giải thưởng đều chia sẻ cho đội khoa học gồm ba nhà nghiên cứu. Và thiên tài lí thuyết đứng đằng sau cả hai thành tựu chính là John Bardeen, người trở thành người đầu tiên (và là người duy nhất từ trước đến nay) giành hai giải Nobel thuộc cùng một lĩnh vực.
(Còn tiếp nhiều kì)