Đi tìm nguồn gốc của khái niệm du hành thời gian

Hiệp Khách Quậy Giấc mơ du hành xuyên thời gian vốn đã xưa cũ và ở đâu cũng có. Thế nhưng niềm hứng khởi của con người đối với sự du hành thời gian đã bắt đầu từ đâu, và tại sao ý tưởng lại cuốn hút như thế? Thật ra, khái niệm du hành thời gian – đi xuyên qua thời gian theo kiểu như chúng ta đi xuyên trong không gian... Xin mời đọc tiếp.

Giấc mơ du hành xuyên thời gian vốn đã xưa cũ và ở đâu cũng có. Thế nhưng niềm hứng khởi của con người đối với sự du hành thời gian đã bắt đầu từ đâu, và tại sao ý tưởng lại cuốn hút như thế? Thật ra, khái niệm du hành thời gian – đi xuyên qua thời gian theo kiểu như chúng ta đi xuyên trong không gian ba chiều – có lẽ đã ăn sâu vào nhận thức của chúng ta về thời gian. Các nhà ngôn ngữ học ghi nhận rằng về cơ bản chúng ta không có khả năng nói về chuyện thời gian mà không tham chiếu đến chuyện không gian. “Trong ngôn ngữ – bất kì ngôn ngữ nào – không có hai miền nào gắn kết mật thiết hơn không gian và thời gian,” nhà ngôn ngữ học Israel, Guy Deutscher viết trong quyển sách năm 2005 của ông “Mổ xẻ về ngôn ngữ”. “Cho dù không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức về nó, nhưng chúng ta lúc nào cũng nói về thời gian theo không gian, và điều này phản ánh thực tế rằng chúng ta nghĩ về thời gian theo không gian.”

Deutscher nhắc nhở chúng ta rằng khi chúng ta lên lịch hẹn bạn bè “khoảng” giờ ăn trưa, chúng ta đang sử dụng một phép ẩn dụ, vì giờ ăn trưa không có bất kì phương diện vật chất nào. Tương tự, ông trình bày rằng thời gian theo nghĩa đen không thể “dài” hay “ngắn” như một chiếc đũa, cũng chẳng “đi qua” tựa một đoàn tàu, thậm chí cũng chẳng đi “tới” hay “lùi” hơn là đi ngang, đi xiên hay đi xuống.

Có lẽ do bởi kết nối này giữa không gian và thời gian mà khả năng thời gian có thể được trải nghiệm và đi xuyên qua có cội rễ xa xưa đến bất ngờ. Một trong những ví dụ sớm nhất được biết về sự du hành thời gian xuất hiện trong Mahabharata, một thiên sử thi bằng tiếng Phạn cổ ra đời vào khoảng năm 400 tCN, theo lời giáo sư chuyên nghiên cứu tiểu thuyết khoa học, Lisa Yaszek tại Viện Công nghệ Georgia ở Atlanta.

Trong Mahabharata là một câu chuyện về nhà vua Kakudmi hồi hàng triệu năm trước, ông muốn kén rể cho cô con gái xinh đẹp và thục đức của mình, nàng Revati. Hai người đi đến quê hương của chúa sáng thế Brahma để xin lời răn dạy. Thế nhưng trong không gian tồn tại của Brahma, họ phải chờ vị thần nghe xong một bài ca 20 phút, sau đó Brahma giải thích rằng thời gian trên trời trôi qua khác với dưới mặt đất. Hóa ra thì “27 chatur-yugas” đã trôi qua, hay hơn 116 triệu năm (theo một bản tóm tắt online), và vì thế những người mà Kakudmi và Revati từng biết, kể cả người nhà và những chàng trai triển vọng làm rể, đều đã chết. Sau cú sốc này, câu chuyện khép lại với một cái kết phần nào có hậu trong đó Revati được hứa gả cho Balarama, anh em song sinh của thần Krishna.

Thời gian đang lướt qua

Đối với Yaszek, câu chuyện trên đem lại một ví dụ về cái ngày nay chúng ta gọi là sự dãn nở thời gian, trong đó các nhà quan sát khác nhau đo được độ dài khác nhau của thời gian dựa trên hệ quy chiếu tương đối của họ, đó là một phần của thuyết tương đối hẹp Einstein.

Những câu chuyện đi xuyên thời gian như thế có ở khắp nơi trên thế giới, Yaszek cho biết, bà trích dẫn một truyện kể Trung Đông có từ thế kỉ thứ nhất tCN về một người thợ Do Thái thần kì đã ngủ dưới một cây carob mới trồng và thức dậy vào 70 năm sau thấy nó đã cao lớn và cho trái (cây carbob vốn khét tiếng là lâu cho trái). Một trường hợp khác có thể tìm thấy trong một truyền thuyết của người Nhật có từ thế kỉ thứ tám kể về một chàng đánh cá tên là Urashima Taro đã đi tới một lâu đài dưới biển và phải lòng một nàng công chúa. Khi trở về nhà, Taro tá hóa rằng 100 năm đã trôi qua (theo một bản dịch đăng online của Đại học South Florida).

Vào đầu thời hiện đại thế kỉ 18 và 19, phiên bản câu chuyện ngủ quên của sự du hành thời gian trở nên phổ biến hơn, Yasrzek cho biết. Các ví dụ bao gồm truyện kể kinh điển của Rip Van Winkle, cùng với các quyển sách như tiểu thuyết không tưởng năm 1888 của Edward Belamy “Nhìn Về Quá Khứ”, trong đó một người thức dậy vào năm 2000, và tiểu thuyết năm 1899 của H.G. Wells “Kẻ Ngủ Vùi Thức Dậy” kể về một người thiu thiu ngủ trong hàng thế kỉ và thức dậy trước một London đã hoàn toàn thay đổi.

Trong những câu truyện khác từ thời kì này, người ta cũng bắt đầu có thể đi lùi thời gian. Trong đoản văn trào phúng năm 1889 của Mark Twain “Một Người Yankee Connecticut Trong Triều Đại Vua Arthur”, một cú đánh vào đầu đã đẩy một kĩ sư quay về thời đại trị vì của nhà vua Anh huyền thoại. Những vật có thể gửi người ta xuyên thời gian cũng bắt đầu xuất hiện, chủ yếu là đồng hồ, ví dụ trong câu truyện năm 1881 của Edward Page Mitchell “Đồng Hồ Gửi Về Quá Khứ” hay câu truyện trẻ em năm 1889 của Lewis Carrol “Sylvie và Bruno”, trong đó các nhân vật có một chiếc đồng hồ thuộc kiểu cỗ máy thời gian.

Sự bùng nổ của những câu truyện như thế trong thời kì này có thể là do thực tế người ta “đang bắt đầu tiêu chuẩn hóa thời gian, và tự định hướng bản thân theo đồng hồ thường xuyên hơn,” Yaszek nói.

Thời gian tuần tự trôi

Wells đã đưa ra một trong những âm mưu du hành thời gian dai dẳng nhất trong tiểu thuyết năm 1895 của ông “Cỗ Máy Thời Gian”, trong đó đề cập đến việc cách tân một phi thuyền có thể đi tới và đi lùi xuyên qua những quãng thời gian dài. “Đây là lúc chúng ta có động cơ hơi nước, xe lửa và những chiếc ô tô đầu tiên,” Yaszek nói. “Tôi nghĩ chẳng có gì bất ngờ khi mà Wells bất ngờ nghĩ: “Hey, có lẽ chúng ta có thể dùng một cỗ xe đi xuyên qua thời gian.”

Bởi nó là một biểu tượng mãn nhãn như thế, nên nhiều câu truyện du hành thời gian được yêu thích được sáng tác sau này hay đề cập một cỗ máy thời gian nổi bật, Yaszek nói, ý muốn nhắc tới chiếc hộp màu xanh trong sê ri dài tập “Doctor Who” trên đài BBC – TARDIS – và chiếc xe sang chảnh lóng lánh ánh bạc, DeLorean, trong “Trở Lại Tương Lai”.

Gần đây hơn, sự du hành thời gian thường xét mối liên hệ của chúng ta với quá khứ, theo lời Yaszek, nhất là trong các mẩu truyện được sáng tác bởi phụ nữ và người da màu. Tiểu thuyết “Kindred” năm 1979 của Octavia Butler kể về một phụ nữ hiện đại đến thăm tổ tiên của cô thời kì trước Nội Chiến, đó là “một câu truyện tuyệt vời, nó thật sự khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về những quan hệ trắng đen trong lịch sử,” bà nói. Và một sê ri đương đại online tên gọi là “Send Me” thì kể về một bà đồng người Mĩ gốc Phi có thể đưa người ta trở về thời kì trước Nội Chiến và chứng kiến chế độ nô lệ.

“Tôi thật sự hứng thú với những câu truyện như thế,” Yaszek nói. “Chúng giúp chúng ta nhìn lại lịch sử từ những góc độ mới.”

Sự du hành thời gian có mặt trong nhiều thể loại và phương tiện đa dạng, kể cả hài kịch, ví như “Thời Đại Chuột Chũi” và “Bill Và Chuyến Phiêu Lưu Diệu Kì Của Ted”, cả video game như “Huyền Thoại Zelda: Mặt Nạ Majora” của Nintendo và trò chơi Ấn Độ “Braid”.

Yaszek đoán chừng rằng các câu truyện du hành thời gian uyển chuyển và thịnh hành như vậy là bởi nó đem lại một lối thoát ra khỏi thực tại bình thường của chúng ta. “Chúng cho phép chúng ta tưởng tượng mình có thể tự do bay nhảy ra khỏi dòng chảy thời gian,” bà nói. “Và bằng cách nào đó [chúng ta] có được một góc nhìn mới về sự trải nghiệm con người, hoặc của riêng bản thân hoặc của nhân loại nói chung, và tôi nghĩ rằng điều đó rất kích thích chúng ta.”

Có lẽ thực tế người hiện đại thường bị cuốn vào những câu truyện cỗ máy thời gian phản ánh rằng chúng ta sống trong một thế giới công nghệ. Thế nhưng sức hấp dẫn của sự du hành thời gian chắc chắn có cội nguồn sâu xa hơn, hòa quyện vào kết cấu ngôn ngữ của chúng ta và xuất hiện trong một số câu chuyện hư cấu xa xưa nhất của chúng ta.

“Tôi nghĩ đó là một cách để hiểu khái niệm mơ hồ và khó lí giải này, bởi lẽ khó mà nắm bắt được thời gian,” Yaszek nói. “Song đây là một trong những tiền tuyến cuối cùng, tiền tuyến thời gian, của sự sống và cái chết. Và chúng ta đều đang tiến tới trước, chúng ta thảy đều đang đi trong thời gian.”

Nguồn: LiveScience

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm