Hiệp Khách Quậy Sau chặng hành trình cho đến nay, từ cấu trúc của không gian sâu thẳm cho đến đường ranh của vũ trụ đã biết, trước khi khép lại loạt bài học này, tôi muốn trở lại với chủ đề chúng ta. Xin mời đọc tiếp.
KHÉP LẠI
VỀ CHÚNG TA
Sau chặng hành trình cho đến nay, từ cấu trúc của không gian sâu thẳm cho đến đường ranh của vũ trụ đã biết, trước khi khép lại loạt bài học này, tôi muốn trở lại với chủ đề chúng ta.
Chúng ta có vai trò gì với tư cách loài người biết cảm nhận, biết đưa ra quyết định, biết cười và biết khóc, trong bức bích họa vĩ đại này của thế giới như vật lí học đương đại mô tả? Nếu thế giới là một đám nhung nhúc các lượng tử phù du của không gian và vật chất, một trò chơi ghép hình vĩ đại của không gian và các hạt sơ cấp, thì chúng ta là gì? Có phải chúng ta cũng bao gồm các lượng tử và các hạt hay không? Nếu vậy thì từ đâu mà ta có được cảm nhận sự tồn tại cá nhân và bản ngã vô song mà hết thảy chúng ta đều có thể chứng thực? Và rồi giá trị của chúng ta là gì, các giấc mơ của chúng ta, cảm xúc của chúng ta, kiến thức riêng của chúng ta thì sao? Chúng ta là gì, trong cái thế giới rực rỡ và không biên giới này?
Tôi thậm chí không thể tưởng tượng việc cố gắng trả lời thật sự một câu hỏi như thế trong những trang đơn giản này. Nó là một câu hỏi dai dẳng. Trong bức tranh to lớn của khoa học đương đại, có nhiều thứ chúng ta chưa hiểu, và một trong những thứ mà chúng ta hiểu ít nhất là về bản thân chúng ta. Nhưng việc tránh né câu hỏi này hoặc phớt lờ nó, theo tôi, là không nhận thấy cái cơ bản thiết yếu. Tôi đã trình bày thế giới trông như thế nào dưới ánh sáng khoa học, và chúng ta cũng là một bộ phận của thế giới đó.
‘Chúng ta’, loài người, là chủ thể đầu tiên và trên hết thật sự quan sát thế giới này; những người thợ tập thể của bức ảnh thực tại mà tôi đã cố gắng phác họa. Chúng ta là các nút mạng trong một mạng lưới trao đổi (quyển sách hiện tại này là một ví dụ) thông qua đó chúng ta truyền đi hình ảnh, công cụ, thông tin và kiến thức.
Nhưng chúng ta cũng là một bộ phận không thể thiếu của thế giới mà chúng ta cảm nhận; chúng ta không phải là những nhà quan sát từ bên ngoài. Chúng ta ở vào tình thế bên trong nó. Cái nhìn của chúng ta về thế giới là nhìn từ bên trong. Chúng ta được làm bằng các nguyên tử và các tín hiệu ánh sáng giống như cái trao đổi giữa các cây thông trên ngọn núi và các ngôi sao trong thiên hà.
Khi kiến thức của chúng ta phát triển, chúng ta biết được rằng giống loài của chúng ta chỉ là một bộ phận của vũ trụ, và là một bộ phận nhỏ mà thôi.
Vấn đề này ngày càng rõ dần qua các thế kỉ, nhưng đặc biệt là trong thế kỉ vừa qua. Chúng ta từng tin rằng chúng ta ở trên một hành tinh nằm tại trung tâm của vũ trụ, và rồi chúng ta không còn tin như thế. Chúng ta từng nghĩ rằng chúng ta là giống loài độc tôn, một loài khác với họ hàng động vật và thực vật, và rồi chúng ta phát hiện rằng chúng ta là hậu duệ của những tổ tiên chung với mọi sinh vật sinh sống xung quanh ta. Chúng ta có tổ tiên chung với con bướm và cây thông. Chúng ta giống như những đứa trẻ trưởng thành nhận thấy thế giới không còn quay xung quanh chúng nữa, như chúng từng nghĩ khi còn nhỏ. Chúng phải học cách trở thành một người trong muôn người. Được soi rọi bởi những người khác, và bởi những thứ khác, chúng ta biết được chúng ta là ai.
Vào thời kì hoàng kim của chủ nghĩa lí tưởng Đức, Schelling có thể đã nghĩ rằng loài người đại diện cho chóp đỉnh của tự nhiên, điểm cao nhất, nơi thực tại trở thành ý thức của tự nó. Ngày nay, từ góc nhìn được cung cấp bởi kiến thức hiện nay của chúng ta về thế giới tự nhiên, quan điểm này khiến người ta buồn cười. Nếu chúng ta là đặc biệt, chúng ta chỉ đặc biệt ở chỗ là mỗi người cảm nhận được bản thân mình ra sao, như mỗi người mẹ biết mình là mẹ của bọn trẻ. Chắc chắn điều đó không đúng với phần còn lại của tự nhiên.
Trong đại dương mênh mông của các thiên hà và các sao, chúng ta sống ở một góc khuất xa xôi; giữa các đường nét vô hạn của các dạng thức cấu tạo nên thực tại, chúng ta chỉ là một nét trong vô vàn nét như thế mà thôi.
Hình ảnh mà chúng ta xây dựng về vũ trụ tồn tại bên trong chúng ta, trong không gian tư duy của chúng ta. Giữa những hình ảnh này – giữa cái chúng ta tái dựng và tìm hiểu với các phương tiện hạn chế của chúng ta – và thực tại mà chúng ta là một bộ phận trong đó, tồn tại vô số bộ lọc: sự thiếu hiểu biết của chúng ta, các hạn chế của các giác quan của chúng ta và của trí thông minh của chúng ta. Tự nhiên xung quanh chúng ta cũng là đối tượng của những điều kiện này, và là các đối tượng đặc biệt, chịu áp đặt trên kinh nghiệm.
Tuy nhiên, những điều kiện này không phải là phổ quát, như Kant từng hình dung – suy luận từ đây (với sai sót thấy rõ) thì bản chất của không gian Euclid và thậm chí của cơ học Newton, do đó, phải là một tiền tố đích thực. Chúng là một hậu tố cho sự tiến hóa trí tuệ của giống loài của chúng ta, và chúng nằm trong sự tiến hóa liên tục. Chúng ta không những học được, mà còn học cách thay đổi dần khuôn khổ nhận thức của chúng ta và làm thích nghi nó với cái chúng ta học được. Và cái chúng ta đang học cách công nhận, dù có chậm và không quyết liệt lắm, là bản chất của thế giới thực tế mà chúng ta là một bộ phận trong đó. Những hình ảnh mà chúng ta xây dựng về vũ trụ có thể nằm bên trong chúng ta, trong không gian nhận thức; nhưng chúng cũng mô tả đúng ít nhiều về thế giới thực tế mà chúng ta thuộc về. Chúng ta đi theo các chỉ dẫn để mô tả tốt hơn thế giới này.
Khi ta nói về Big Bang hay kết cấu của vũ trụ, cái ta đang làm không phải là sự kế tục của những câu chuyện phù phiếm và kì diệu mà con người đã kể nhau nghe hằng đêm quanh các đống lửa trong hàng trăm nghìn năm trời. Nó là sự kế tục của một cái khác: của cái nhìn của nhân loại thời xa xưa vào vết tích để lại của đàn linh dương trong bụi mờ của hoang mạc – rà soát và suy luận từ các chi tiết của thực tại để theo đuổi cái chúng ta không thể nhìn thấy trực tiếp mà chỉ có thể lần theo vết tích của chúng. Trong nhận thức rằng chúng ta luôn luôn có thể sai, và do đó mỗi thời khắc luôn sẵn sàng đổi hướng đi nếu một vết tích mới xuất hiện; nhưng việc biết chúng ta có đủ tốt hay không chúng ta sẽ sửa cho đúng và sẽ tìm thấy cái chúng ta đang tìm kiếm. Đó là bản chất của khoa học.
Sự nhập nhằng giữa hai hoạt động khác biệt này của con người – phát minh ra các câu chuyện và lần theo các vết tích để tìm kiếm cái gì đó – là nguồn gốc của sự thiếu hiểu biết và thiếu tin cậy khoa học thể hiện bởi một bộ phận đáng kể thuộc nền văn hóa đương đại của chúng ta. Sự phân biệt là khá tinh vi: con linh dương săn được vào lúc bình minh không khác biệt gì mấy với thần linh dương trong câu chuyện kể lúc về đêm.
Đường biên giới ấy có nhiều lỗ thủng. Thần thoại nuôi dưỡng khoa học, và khoa học nuôi dưỡng thần thoại. Nhưng giá trị của kiến thức thì được lưu truyền. Nếu ta tìm thấy con linh dương ấy thì ta có cái để ăn.
Như vậy, kiến thức của chúng ta phản ánh thế giới. Nó làm việc này ít nhiều tốt, nhưng nó phản ánh thế giới mà ta trú ngụ. Sự giao tiếp này giữa chúng ta và thế giới không phải là cái phân biệt chúng ta với phần còn lại của tự nhiên. Mọi vật liên tục tương tác với nhau, và trong khi ấy mỗi vật tạo ra các vết tích của cái mà nó đã tương tác: và hiểu theo nghĩa này thì vạn vật liên tục trao đổi thông tin với nhau.
Thông tin mà một hệ vật lí có về một hệ khác chẳng có gì tâm linh hay chủ quan về nó: nó chỉ là liên hệ mà vật lí xác định giữa trạng thái của một cái gì đó và trạng thái của một cái khác. Một giọt nước mưa chứa thông tin về sự có mặt của một đám mây trên bầu trời; một tia sáng chứa thông tin về màu sắc của chất từ nơi nó đến; một cái đồng hồ có thông tin về thời gian trong ngày; gió mang thông tin về cơn bão đang ập đến; một con virus lạnh lẽo có thông tin về tính dễ tổn thương của chiếc mũi của tôi; ADN trong các tế bào của chúng ta chứa toàn bộ thông tin về mã di truyền của chúng ta (nhờ đó mà tôi giống bố mẹ tôi); và não tôi tràn ngập thông tin tích lũy từ kinh nghiệm của tôi. Chất liệu căn bản của tư duy của chúng ta là sự thu thập cực kì phong phú các thông tin đã tích lũy, trao đổi và liên tục trau dồi.
Thậm chí bộ điều nhiệt trong hệ thống sưởi của nhà tôi cũng ‘cảm nhận’ và ‘biết’ nhiệt độ xung quanh trong nhà tôi, có thông tin về nó và tự tắt khi đủ ấm. Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa ‘sự cảm nhận’ và ‘sự biết’ của bộ điều nhiệt và của tôi rằng trời ấm và quyết định có tắt lò sưởi hay không – và ‘biết’ rằng tôi tồn tại? Làm thế nào sự trao đổi thông tin liên tục trong tự nhiên tạo ra chúng ta, và tư duy của chúng ta?
Vấn đề là nhìn cho thoáng, với vô số đáp số hiện đang được thảo luận. Tôi tin đây là một trong những tiền tuyến hấp dẫn nhất của khoa học, nơi sự tiến bộ chính sắp xảy ra. Ngày nay, các công cụ mới cho phép chúng ta quan sát hoạt động của bộ não đang làm việc, và lập bản đồ mạng lưới hết sức tinh vi của nó với độ chính xác ấn tượng. Và mới năm 2014 đây tin tức loan báo người ta đã lập được bản đồ chi tiết hoàn chỉnh (tầng giữa) đầu tiên của cấu trúc não của một động vật có vú. Các ý tưởng đặc biệt về dạng thức toán học của các cấu trúc có thể tương ứng như thế nào với sự trải nghiệm chủ quan của ý thức hiện đang được thảo luận, không chỉ riêng bởi các nhà triết học mà còn bởi các nhà thần kinh học.
Chẳng hạn, một ý tưởng nổi bật là lí thuyết toán học được phát triển bởi Giulio Tononi – một nhà khoa học người Italia làm việc ở Mĩ. Nó được gọi là ‘lí thuyết thông tin tích hợp’, và là một nỗ lực nhằm mô tả đặc trưng định lượng cấu trúc mà một hệ phải có để có ý thức: chẳng hạn, một cách mô tả cái thật sự biến đổi trên mặt vật chất giữa khi chúng ta tỉnh táo (có ý thức) và khi chúng ta ngủ mà không mơ (vô thức). Nó vẫn đang ở giai đoạn phát triển. Chúng ta vẫn chưa bị thuyết phục và đưa ra được lời giải đáp cho vấn đề ý thức của chúng ta được hình thành như thế nào. Nhưng đối với tôi làn sương mờ đang bắt đầu tan dần.
Có một vấn đề đặc biệt về chính chúng ta thường khiến chúng ta bối rối: việc tư duy đưa ra quyết định của chúng ta có ý nghĩa gì nếu như hành trạng của chúng ta thật sự chẳng là gì ngoài việc tuân theo các định luật tất định của tự nhiên? Có hay không một sự mâu thuẫn có lẽ giữa cảm giác tự do của chúng ta và sự khắc nghiệt, như chúng ta hiểu về nó, mà với nó các vật hoạt động trong thế giới? Phải chăng có lẽ có cái gì đó trong chúng ta thoát khỏi sự quy cũ của tự nhiên, và cho phép chúng ta tránh né và đi lệch khỏi nó thông qua sức mạnh của việc chúng ta tự do suy nghĩ?
À, không, chẳng có gì về chúng ta có thể thoát khỏi các quy tắc của tự nhiên. Nếu cái gì đó trong chúng ta có thể vi phạm các định luật của tự nhiên thì lúc này chúng ta đã phát hiện ra nó rồi. Chẳng có gì trong chúng ta vi phạm hành trạng tự nhiên của vạn vật. Toàn bộ khoa học hiện đại – từ vật lí học đến hóa học, và từ sinh học đến thần kinh học – chẳng làm gì ngoài việc xác nhận quan sát này.
Đáp số cho sự nhập nhằng trên nằm ở nơi khác. Khi chúng ta nói chúng ta tự do, và đúng là chúng ta có thể tự do, điều này nghĩa là cách chúng ta hành xử được xác định bởi cái xảy ra bên trong chúng ta, bên trong bộ não, và không phải bởi các yếu tố bên ngoài. Để tự do không có nghĩa là hành trạng của chúng ta không được xác định bởi các định luật của tự nhiên. Nó có nghĩa là nó được xác định bởi các định luật của tự nhiên diễn ra trong não của chúng ta.
Các quyết định tự do của chúng ta được xác định tự do bởi kết quả của các tương tác phong phú và phù du giữa hàng tỉ neuron trong não của chúng ta: chúng tự do trong chừng mực mà sự tương tác của những neuron này cho phép và xác định. Phải chăng điều này có nghĩa là khi tôi đưa ra một quyết định thì ‘tôi’ là người quyết định? Vâng, tất nhiên, bởi vì sẽ thật vô lí nếu hỏi liệu ‘tôi’ có thể làm gì khác với cái mà toàn bộ phức hợp neuron của tôi đã quyết định: hai thứ, như nhà triết học Hà Lan Baruch Spinoza đã hiểu hết sức rõ ràng hồi thế kỉ mười bảy, là như nhau.
Không có ‘tôi’ và ‘các neuron trong não của tôi’. Chúng là cùng một thứ. Mỗi cá nhân là một quá trình: phức tạp, tích hợp sít sao.
Khi chúng ta nói hành trạng con người là không thể dự đoán trước, chúng ta đúng, bởi vì nó quá phức tạp để mà dự đoán, đặc biệt bởi chính chúng ta. Sự cảm nhận mạnh mẽ của sự tự do nội tại của chúng ta, như Spinoza đã nhìn thấy sâu sắc, xuất phát từ thực tế là các ý tưởng và các hình ảnh mà chúng ta có về chính chúng ta là thô sơ hơn và sơ sài hơn so với sự phức tạp chi li của cái đang xảy ra bên trong chúng ta. Chúng ta là nguồn gốc của sự kinh ngạc trong mắt của chúng ta.
Chúng ta có hàng trăm tỉ neuron trong não bộ của chúng ta, nhiều như số ngôi sao trong một thiên hà, với số lượng còn nhiều hơn nữa của các liên kết và các kết hợp có khả năng mà qua đó chúng có thể tương tác. Chúng ta không ý thức được toàn bộ chuyện này. ‘Chúng ta’ là quá trình được hình thành bởi toàn bộ sự phức tạp này, chứ không chỉ bởi một ít của nó mà chúng ta ý thức.
‘Tôi’ người quyết định cũng là ‘tôi’ được hình thành (theo một kiểu chắc chắn vẫn chưa rõ ràng lắm, nhưng chúng ta đã bắt đầu thoáng thấy) từ những phản ánh trên tự nó; thông qua các tự thể hiện trong thế giới; từ việc hiểu tự nó là một góc nhìn có giá trị đặt trong ngữ cảnh thế giới; từ đó cấu trúc ấn tượng trên xử lí thông tin và xây dựng các thể hiện là não bộ của chúng ta. Khi chúng ta có cảm giác rằng ‘đó là tôi’ người quyết định thì chúng ta không thể chính xác hơn được. Còn có ai khác chứ?
Theo quan điểm Spinoza, tôi là cơ thể của tôi và cái xảy ra trong não bộ và trái tim của tôi, cùng với sự phức tạp khôn cùng và nan giải của chúng – đối với tôi.
Bức tranh khoa học của thế giới mà tôi vừa liên hệ ở những trang này chẳng hề xung đột với sự cảm nhận bản ngã của chúng ta. Nó không xung đột với suy nghĩ của chúng ta theo ngôn ngữ tinh thần và tâm lí, hoặc với những xúc cảm và cảm nhận của chúng ta. Thế giới thật phức tạp, và chúng ta thu nhận nó với những ngôn ngữ khác nhau, mỗi ngôn ngữ thích hợp cho quá trình mà chúng ta đang mô tả. Mỗi quá trình phức tạp có thể được xử lí và được hiểu theo những ngôn ngữ khác nhau và ở những mức độ khác nhau. Các ngôn ngữ đa dạng này giao thoa, hòa quyện và tăng cường tương hỗ cho nhau, giống như bản thân các quá trình. Nghiên cứu tâm lí học của chúng ta trở nên phức tạp hơn thông qua việc chúng ta hiểu rõ cơ chế hóa sinh của bộ não. Nghiên cứu vật lí lí thuyết được ấp ủ bởi những đam mê và xúc cảm tạo sinh khí cho cuộc sống của chúng ta.
Các giá trị đạo đức của chúng ta, cảm xúc của chúng ta, tình yêu của chúng ta không hề kém thực tế vì là một bộ phận của tự nhiên, vì được chia sẻ với thế giới động vật, hoặc vì được xác định bởi sự tiến hóa mà giống loài của chúng ta đã trải qua trong hàng triệu năm trời. Thay vậy, chúng có giá trị hơn vì là kết quả của điều này: chúng là có thật. Chúng là thực tại phức tạp của cái làm nên chúng ta. Thực tại của chúng ta là nước mắt và tiếng cười, sự biết ơn và vị tha, trung thành và phản bội, là quá khứ ám ảnh chúng ta và sự thanh thản. Thực tại của chúng ta được làm bởi xã hội của chúng ta, bởi sự xúc cảm được âm nhạc truyền cảm hứng, của những mạng lưới hòa quyện phong phú của kiến thức chung mà chúng ta đã xây dựng cùng nhau. Toàn bộ là bộ phận của ‘tự nhiên’ y hệt mà chúng ta đang mô tả. Chúng ta là một bộ phận nội tại của tự nhiên; chúng ta là tự nhiên, ở một trong vô số biểu hiện vô cùng có giá trị của nó. Đây là cái chúng ta học được từ kiến thức ngày càng nhiều thêm của chúng ta về vạn vật trong thế giới này.
Cái làm cho loài người chúng ta đặc biệt không có nghĩa là sự tách biệt của chúng ta với tự nhiên; nó là một bộ phận của tự nhiên y hệt đó. Nó là một dạng mà tự nhiên đã chọn trên hành tinh chúng ta đây, trong trò chơi vô tận của những kết hợp của nó, thông qua sự ảnh hưởng tương hỗ và trao đổi các tương quan và thông tin giữa các bộ phận của nó. Ai mà biết có bao nhiêu cái phức tạp tồn tại và đâu là những cái phức tạp đặc biệt, ở những dạng có lẽ không thể cho chúng ta tưởng tượng, trong không gian vô tận của vũ trụ... Không gian ngoài kia mênh mông đến mức sẽ thật trẻ con nếu nghĩ rằng tại góc rìa của một thiên hà bình thường lại có cái gì đó hết sức đặc biệt. Sự sống trên Trái đất chỉ đem lại một hương vị nhỏ của cái có thể xảy ra trong vũ trụ. Linh hồn bé bỏng của chúng ta chỉ là một cái nho nhỏ như thế.
Chúng ta là giống loài được phát triển tự nhiên bởi sự hiếu kì, giống loài duy nhất còn sót lại của một nhóm (họ Homo) gồm khoảng một tá giống loài hiếu kì không kém. Các giống loài khác trong nhóm đã tuyệt chủng; một số, như người Neanderthals, biến mất gần đây hơn, chừng ba vạn năm trước. Đó là một nhóm loài tiến hóa ở châu Phi, giống như loài tinh tinh vốn có tôn ti và dễ cáu – và thậm chí còn giống hơn với loài bonobo, loài tinh tinh nhỏ con, ưa hòa bình, bình đẳng và tạp chủng [loài tinh tinh mặt đen, lông đen, sinh sống ở vùng rùng rậm Congo-ND]. Một nhóm loài đã lần lượt đi khỏi châu Phi để thám hiểm những thế giới mới, và đi xa dần: xa đến tận Patagonia – và cuối cùng, xa đến tận mặt trăng.
Không phải chống loại tự nhiên là hiếu kì: mà là hiếu kì trong tự nhiên của chúng ta.
Một trăm nghìn năm trước, giống loài của chúng ta đã rời châu Phi, có lẽ thôi thúc bởi chính sự hiếu kì này, học cách nhìn xa hơn ngoài đồng không. Bay trên bầu trời châu Phi lúc đêm về, tôi tự hỏi liệu một trong những tổ tiên xa xôi này trên đường tiến về những không gian rộng mở ở phương Bắc có thể ngước mắt ngắm bầu trời đêm và tưởng tượng một hậu duệ xa xăm đang bay trên đấy, suy tư về bản chất của vạn vật, và vẫn bị chi phối bởi chính sự hiếu kì ấy hay không.
Tôi tin rằng giống loài của chúng ta sẽ không tồn tại lâu. Không phải được làm bằng loại vật liệu đặc biệt mà cho phép loài rùa, chẳng hạn, tiếp tục tồn tại ít nhiều bất biến trong hàng trăm triệu năm; tức là lâu hơn hàng trăm lần so với giống loài chúng ta tồn tại. Chúng ta thuộc về một chủng loài đoản thọ. Toàn bộ họ hàng giống loài của chúng ta đã diệt vong. Ngoài ra, chúng ta tàn phá tự nhiên. Khí hậu khắc nghiệt và các biến đổi môi trường do chúng ta gây ra không có khả năng dung tha cho chúng ta. Đối với Trái đất, chúng có thể chỉ là một vết nhỏ chẳng liên can gì, nhưng tôi không nghĩ chúng ta sẽ sống lâu hơn mà vô hại – đặc biệt vì quan điểm của công chúng và giới làm chính trị cứ thích phớt lờ các hiểm họa mà chúng ta đang đương đầu, thích vùi đầu vào trong cát. Có lẽ chúng ta là giống loài duy nhất trên Trái đất có ý thức về sự không thể tránh khỏi của cái chết của từng cá nhân chúng ta. Tôi e rằng rồi đây chúng ta sẽ sớm phải trở thành giống loài duy nhất sẽ chứng kiến có chủ ý sự diệt vong dần dần của giống loài, hay ít nhất sự diệt vong của nền văn minh của chúng ta.
Khi chúng ta biết rõ ít nhiều cách đương đầu với cái chết của mỗi cá nhân, chúng ta cũng sẽ biết cách đương đầu với sự sụp đổ của nền văn minh của chúng ta. Nó không khác gì lắm. Và chắc chắn đó không phải lần đầu tiên chuyện này xảy ra. Người Maya và người Cretans, trong số nhiều tộc người khác, đã trải nghiệm điều này. Chúng ta sinh ra và chết đi giống như các ngôi sao ra đời và tàn lụi, vừa cá lẻ vừa tập thể. Đây là thực tại của chúng ta. Sự sống quý giá đối với chúng ta bởi vì nó sớm nở tối tàn. Và như Lucretius đã viết: ‘chúng ta ham sống như là đói ăn, chúng ta thèm sống đến vô độ’. Nhưng chìm trong tự nhiên này, cái tạo nên chúng ta và dẫn lối chúng ta, chúng ta không phải là giống loài vô gia cư bị lơ lửng giữa hai thế giới, những bộ phận không chỉ một phần thuộc về tự nhiên, cùng với sự ham muốn cái gì đó. Không: chúng ta đang ở nhà.
Tự nhiên là nhà của chúng ta, và trong tự nhiên chúng ta đang ở nhà. Thế giới kì lạ, nhiều màu sắc và đáng kinh ngạc này mà chúng ta thám hiểm – nơi không gian có dạng hạt, thời gian không tồn tại và vạn vật chẳng ở nơi đâu – không phải là cái khiến chúng ta xa lạ với bản ngã đích thực của mình, vì đây là cái duy nhất mà sự hiếu kì tự nhiên của chúng ta vén màn cho chúng ta thấy về vị thế của chỗ cư ngụ của chúng ta. Về vật chất mà bản thân chúng ta được làm nên. Chúng ta được làm bằng bụi sao giống như vạn vật được làm nên, và khi chúng ta đắm mình trong đau đớn hoặc khi chúng ta trải nghiệm thú vui tột cùng, chúng ta chẳng là cái gì khác ngoài cái chúng ta không thể giúp mà là: một bộ phận của thế giới của chúng ta.
Lucretius diễn đạt điều này, cực hay:
...chúng ta đều sinh ra từ một hạt mầm thiên thể;
toàn thể chúng ta có cha chung,
từ trái đất, mẹ nuôi dưỡng ta,
hứng những giọt nước mưa trong,
mọc lên đồng lúa mì xanh mướt và cây cối sum sê,
và nhân loại,
và các loài thú nuôi,
cấp thực phẩm nuôi dưỡng mọi cơ thể,
đem đến cuộc sống ngọt ngào
và sinh con đẻ cái...
Đó là một bộ phận của tự nhiên của chúng ta để mà yêu thương và thành thực. Đó là một bộ phận của tự nhiên của chúng ta cần thời gian dài để hiểu rõ hơn, và để tiếp tục tìm hiểu. Kiến thức của chúng ta về thế giới liên tục phát triển.
Có những tiền tuyến nơi chúng ta đang tìm hiểu và khát vọng kiến thức của chúng ta bùng cháy. Chúng ở trong tầm với nhỏ bé nhất của kết cấu không gian, tại nguồn gốc của vũ trụ, trong bản chất của thời gian, trong hiện tượng lỗ đen, và sự vận hành của các quá trình tư duy của riêng chúng ta. Tại đây, trên rìa cùng của cái chúng ta biết, tiếp xúc với đại dương cái chưa biết, soi sáng bí ẩn và nét đẹp của thế giới. Và thật ngoạn mục.
7 Bài học Vật lí Ngắn – Carlo Rovelli
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>