Hayabusa 2 sẽ tìm kiếm nguồn gốc của sự sống trong vũ trụ

Hiệp Khách Quậy Một hậu duệ mới và đã được cải tiến của tàu vũ trụ Nhật Bản Hayabusa – cuối cùng đã mang về Trái đất một capsule hồi đầu năm nay – có thể cất cánh vào vũ trụ vào năm 2014. Xin mời đọc tiếp.

Một hậu duệ mới và đã được cải tiến của tàu vũ trụ Nhật Bản Hayabusa – cuối cùng đã mang về Trái đất một capsule hồi đầu năm nay – có thể cất cánh vào vũ trụ vào năm 2014. Hayabusa 2 khi đó được trông đợi sẽ quay về vào năm 2020, mang lại các manh mối về nguồn gốc của sự sống trên Trái đất.

Hồi tuần rồi, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã được chính phủ bật đèn xanh bắt đầu phát triển Hayabusa 2, con tàu ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 164 tỉ yen (2 tỉ USD).

Giống như bậc tiền bối của nó, phi thuyền sẽ viếng thăm một tiểu hành tinh để thu gom các mẫu bụi. Nhưng trong khi Hayabusa đến thăm tiểu hành tinh Itokawa rộng 500 mét để thu gom bụi giàu silicon và sắt, thì Hayabusa 2 sẽ đến thăm một tảng đá vũ trụ kích cỡ 1 km tên gọi là 1999 JU3, để tìm kiếm các phân tử hữu cơ có thể đã gieo mầm cho sự sống trên Trái đất.

Con tàu cũng sẽ được thiết kế tránh những trục trặc mà tàu Hayabus đã gặp phải trong hành trình rắc rối và gây lo lắng không yên của nó. Mặc dù Hayabusa đã thành công trong việc đưa capsule của nó trở về Trái đất hồi đầu năm nay, nhưng người ta vẫn chưa rõ là nó có thu gom được bụi tiểu hành tinh theo như kế hoạch hay không.

Một chi tiết mới trên tàu Hayabusa 2 sẽ là một quả bom rộng 30 cm gọi là bom công phá, theo lời Makoto Yoshikawa, thành viên của đội Hayabusa tại JAXA. Khi Hayabusa 2 ở cách tiểu hành tinh 500 mét, nó sẽ thả bom công phá và rồi lui ra phía sau tiểu hành tinh để “nấp”, Yoshikawa nói. “Sau đó, quả bom công phá phát nổ”.

Miệng hố rộng 1 mét thu được sẽ cho phép thu gom mẫu từ bên dưới bề mặt của tiểu hành tinh, nơi chất liệu của nó ít bị ảnh hưởng hơn bởi bức xạ mặt trời. Mục tiêu của Hayabusa là thu gom mẫu từ bề mặt Itokawa, nhưng vật chất dưới bề mặt mà Hayabusa 2 sẽ thu gom có khả năng chứa nhiều manh mối hơn về cơ sở hóa học của quá khứ của tiểu hành tinh trên.

Để thu gom bụi từ miệng hố này, Hayabusa 2 sẽ sử dụng hai phương pháp khác nhau. Giống như bậc tiền bối của nó, nó sẽ có một viên đạn nhỏ để bắn vào tiểu hành tinh trên, làm bụi bay ra và gom lấy bằng một dụng cụ hình nón. Tuy nhiên, viên đạn của tàu Hayabusa đã bắn ra không thành công, cho nên lần sau sẽ là một lần thử nghiệm lại.

Phi thuyền mới cũng sẽ được thiết kế để tống một chất liệu dính, gốc silicon vào trong miệng hố tiểu hành tinh nhằm thu gom thêm nhiều bụi. “Nếu chúng ta có hai loại phương pháp thu gom mẫu, thì chắc chắn chúng ta thu gom được nhiều hơn”, Yoshikawa giải thích.

Tàu vũ trụ Hayabusa

Để tránh những trở ngại khác đã gây rắc rối cho Hayabusa, phi thuyền thám hiểm tiểu hành mới sẽ có những hệ thống điều khiển định hướng hồi phục, một anten tốt hơn và một động cơ được thiết kế lại.

Bụi bặm thu gom từ phi thuyền mới này có thể cho chúng ta biết đôi điều về nguồn gốc của sự sống. Một lí thuyết cho rằng các amino acid lần đầu tiên có mặt trên Trái đất có nguồn gốc từ các tiểu hành tinh hay các sao chổi bắn phá vào hành tinh thời nằm nôi của chúng ta. Nhưng để chứng minh điều này, trước hết các nhà nghiên cứu phải tìm thấy các amino acid trên đất đã vũ trụ.

Hồi năm ngoái, NASA đã xác nhận sứ mệnh Stardust của họ đã chộp được các amino acid từ cái đuôi của sao chổi băng giá Wild 2. Nhưng tiểu hành tinh 1999 JU3, nơi giàu các hợp chất carbon như các ảnh chụp nhiệt cho biết, ở gần Trái đất của chúng ta hơn và do đó, có thể cung cấp những cái nhìn sâu sắc mới về nguồn gốc của sự sống.

Jeremy Bailey, một nhà thiên văn vật lí tại trường Đại học New South Wales ở Sudney, Australia, cho biết thêm rằng việc hạ cánh lên một tiểu hành tinh và rồi thu gom mẫu, thay vì sử dụng phương pháp chộp lấy khi bay lướt qua của Stardust, có thể là một giải pháp tốt hơn vè do đó, là một phương pháp hiệu quả hơn để thu gom các hợp chất hữu cơ.

Ông nói một phần chất liệu hữu cơ có thể đã bị đốt cháy khi nó lao vào máy gom mẫu của Stardust ở tốc độ cao.

Hồi tháng 4 năm nay, tổng thống Mĩ Barack Obama đã hứa sẽ đưa các nhà du hành lên một tiểu hành tinh vào năm 2025.

Cho đến nay, các thành phần có trong capsule mà tàu Hayabusa thả về Trái đất vẫn đang trong giai đoạn phân tích.

Nguồn: New Scientist

Mời đọc thêm