250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Hóa Học (Phần 7)

Hiệp Khách Quậy Nhờ triết gia Hi Lạp Empedocles và bài thơ của ông hồi giữa thế kỉ thứ năm tCN Về Tự Nhiên, trong gần hai nghìn năm trời người ta nghĩ rằng chỉ có bốn nguyên tố cơ bản – đất, không khí, lửa và nước – và thành phần của vạn vật... Xin mời đọc tiếp.

Khoảng 450 tCN

Bốn nguyên tố

Empedocles (khoảng 490-430 tCN), Plato (khoảng 428-khoảng 347 tCN), Aristotle (384-322 tCN), Abu Musa Jabir ibn Hayyan (khoảng 721 tCN-khoảng 815).

Nhờ triết gia Hi Lạp Empedocles và bài thơ của ông hồi giữa thế kỉ thứ năm tCN Về Tự Nhiên, trong gần hai nghìn năm trời người ta nghĩ rằng chỉ có bốn nguyên tố cơ bản – đất, không khí, lửa và nước – và thành phần của vạn vật trên thế giới phụ thuộc vào tỉ lệ khác nhau của chúng. Vậy tại sao đây là một cột mốc lịch sử trong hóa học? Quả vậy, Empedocles khá đúng ở ý tưởng cho rằng có những chất liệu cơ bản như thế (ông gọi chúng là căn nguyên), và so với một số hệ thống triết lí khác thì các kết luận của ông đúng là một bước nhảy vọt. Thế giới không được làm bằng chỉ một chất liệu mà bằng cách nào đó tự hiện thân trước chúng ta theo những cách khác nhau, và thế giới cũng không được làm bằng vô số chất liệu khác nhau. Thay vậy, thế giới chứa một số lượng đếm được những viên gạch cấu trúc cơ bản từ đó vạn vật khác được lắp ráp nên. Từ góc nhìn đó, sự khác biệt giữa bốn nguyên tố cổ điển và bảng tuần hoàn hiện đại chỉ đơn thuần là vấn đề mức độ.

Chính Plato đã đặt ra thuật ngữ nguyên tố, và người học trò nổi tiếng của ông, Aristotle đã đưa ra một hệ thống theo đó đặc trưng của vạn vật khác có thể được hiểu là sự hòa trộn của chúng, đem lại cho mỗi nguyên tố hai trong bốn cái chất có nghĩa (ví dụ, không khí: ẩm-nóng, đất: lạnh-khô) và bổ sung thêm một nguyên tố siêu việt thứ năm ông gọi là aether. Các nhà triết học sau này còn bổ sung thêm các nguyên tố khác và sự phức tạp tăng dần để cố giải thích nhiều hiện tượng hơn, và toàn bộ hệ thống tư duy ấy cuối cùng đã phát triển thành thuật giả kim thông qua ghi chép của nhà bác học Ba Tư Abu Musa Jabir ibn Hayyan (tức là “Geber”) hơn một nghìn năm sau này.

Đây là một ví dụ xa xưa về suy giản luận: tìm kiếm kiến thức bằng cách chia nhỏ mọi thứ thành những đơn vị càng lúc càng nhỏ với hi vọng rằng những chân lí cơ bản cuối cùng sẽ lộ diện. (Nói chung, các nhà khoa học hỏi, ‘OK được rồi, thế cái đó được làm bằng gì nào?’, và cứ tiếp tục hỏi như thế.) Suy giản luận không phải lúc nào cũng hoạt động – một số kết quả rất quan trọng sẽ chỉ biểu hiện khi bạn chia lùi tới đúng cấp độ. Song suy giản luận vẫn là một kĩ thuật quyền năng đã hỗ trợ lâu dài cho sự tiến bộ của hóa học và các khoa học khác.

XEM THÊM. Hòn đá triết gia (khoảng 800), Nhà hóa học hoài nghi (1661), Bảng tuần hoàn (1869).

4 nguyên tố

Đất, không khí, lửa và nước: những viên gạch cấu trúc của thế giới theo quan điểm từ hơn hai nghìn năm trước.

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Hóa Học
Derek B. Lowe
Bản dịch của Thuvienvatly.com

<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm