250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 18)

Hiệp Khách Quậy Cơ cấu Antikythera là một dụng cụ tính toán có bánh răng thời xưa được dùng để tính toán các vị trí thiên thể và nó gây khó hiểu đối với các nhà khoa học trong hơn một thế kỉ. Được khám phá vào khoảng năm 1902 bởi nhà khảo cổ Valerios... Xin mời đọc tiếp.

Cơ cấu Antikythera

125 tCN

Valerios Stais (1857–1923)


 

Cơ cấu Antikythera là một dụng cụ tính toán có bánh răng thời xưa được dùng để tính toán các vị trí thiên thể và nó gây khó hiểu đối với các nhà khoa học trong hơn một thế kỉ. Được khám phá vào khoảng năm 1902 bởi nhà khảo cổ Valerios Stais trong một xác tàu đắm ngoài khơi hòn đảo Antikythera thuộc Hi Lạp, dụng cụ được cho là được chế tạo vào khoảng năm 150 – 100 tCN. Nhà báo Jo Marchant viết, “Trong số các món đồ thu nhặt được sau đó chở đến Athens là một miếng đá không hình thù gì lúc đầu chẳng ai để ý, cho đến khi nó được mở ra, để lộ các bánh răng bằng đồng, các kim chỉ, và những chữ khắc Hi Lạp li ti… Một bộ phận máy tinh xảo gồm các mặt đồng hồ được cắt chính xác, các kim chỉ thị và ít nhất ba mươi bánh răng lồng vào nhau, không có gì phức tạp tương đương với nó trong sử liệu được ghi chép trong hơn một nghìn năm qua, cho đến khi có sự phát triển của các đồng hồ thiên văn ở châu Âu trung đại.”

Một đồng hồ ở mặt trước dụng cụ có lẽ mang ít nhất ba kim, một kim cho biết ngày tháng và hai kim kia cho biết vị trí của Mặt Trời và Mặt Trăng. Dụng cụ có lẽ còn được dùng để theo dõi ngày tháng của những kì Olympic cổ đại, dự báo nhật thực, và cho biết các chuyển động hành tinh khác.

Đặc biệt gây hứng thú với các nhà vật lí, cơ chế Mặt Trăng sử dụng một đoàn bánh răng đặc biệt bằng đồng, hai trong số chúng liên kết với một trục hơi lệch, để chỉ vị trí và pha của Mặt Trăng. Như được biết ngày nay từ Các định luật Kepler về Chuyển động Hành tinh, Mặt Trăng chuyển động ở những tốc độ khác nhau khi nó quay xung quanh Trái Đất (ví dụ nhanh hơn khi nó ở gần Trái Đất hơn), và sự khác biệt tốc độ này được lập mô hình bởi cơ chế Antikythera, mặc dù người Hi Lạp cổ đại không hề biết đến hình dạng elip thực sự của quỹ đạo. Hơn nữa, Trái Đất chuyển động nhanh hơn khi nó ở gần Mặt Trời hơn.

Marchant viết, “Bằng cách xoay tay cầm trên hộp, bạn có thể làm cho thời gian trôi xuôi tới hoặc trôi ngược lại, để thấy tình trạng vũ trụ hiện nay, ngày mai, Thứ ba tuần trước hay một trăm năm sau trong tương lai. Người nào có trong tay dụng cụ này hẳn phải cảm thấy mình là chúa tể của trời đất.”

Cơ cấu Antikythera

Cơ cấu Antikythera là một dụng cụ tính toán dùng bánh răng thời xưa được dùng để tính các vị trí thiên thể. Ảnh chụp tia X của cơ cấu làm hiển lộ thông tin về cấu hình bên trong của dụng cụ. (Ảnh: Rien van de Weijgaert)

XEM THÊM. Đồng hồ Mặt Trời (3000 tCN), Bánh răng (50), Các định luật Kepler về Chuyển động Hành tinh (1609).

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí | Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm