Từ trường của Mặt trời sắp đảo cực

Hiệp Khách Quậy Theo các phép đo của NASA, từ trường của Mặt trời sắp đảo cực. Xin mời đọc tiếp.

Theo các phép đo của NASA, từ trường của Mặt trời sắp đảo cực.

“Có lẽ không tới 3 đến 4 tháng nữa là từ trường đảo cực hoàn toàn,” phát biểu của nhà vật lí Todd Hoeksema thuộc trường Đại học Stanford. “Sự thay đổi này sẽ có những tác động rộng khắp đối với toàn hệ mặt trời.”

Từ trường của Mặt trời đảo cực khoảng 11 năm một lần. Nó xảy ra lúc cực đại của mỗi chu kì mặt trời khi dynamo từ nội của Mặt trời tự tổ chức lại. Sự đảo cực sắp tới sẽ đánh dấu điểm giữa của Chu kì Mặt trời 24.

Từ trường của Mặt trời sắp đảo cực

Hình minh họa tấm chăn dòng điện dậy sóng khi mặt trời đảo cực từ

Hoeksema là giám đốc Đài thiên văn Mặt trời Wilcox thuộc Stanford, một trong vài đài thiên văn trên thế giới chuyên theo dõi từ trường vùng cực của Mặt trời. Hai cực từ là một điềm báo của sự biến đổi. Giống như các nhà khoa học Trái đất quan sát vùng cực của hành tinh chúng ta để có các dấu hiệu của sự biến đổi khí hậu, các nhà vật lí mặt trời làm việc tương tự đối với mặt trời. Các máy từ kí tại Wilcox đã theo dõi từ trường vùng cực của Mặt trời từ năm 1976, và chúng đã ghi nhận ba lần đảo cực lớn – với lần đảo cực thứ tư sắp sửa xảy ra.

Nhà vật lí mặt trời Phil Scherrer, cũng ở Stanford, mô tả cái xảy ra như sau: “Từ trường vùng cực của Mặt trời yếu đi, tiến đến bằng không, rồi xuất hiện trở lại với phân cực ngược lại. Đây là một phần xảy ra đều đặn của chu trình mặt trời.”

Sự đảo cực từ của Mặt trời là một sự kiện lớn. Vùng tác động từ của Mặt trời (gọi là nhật quyển) trải rộng hàng tỉ kilo mét vượt ra ngoài hành tinh lùn Pluto. Các biến đổi của từ cực Mặt trời sẽ lan tỏa đến tận cặp đôi phi thuyền Voyager hiện đang ở bậc thềm của không gian giữa các sao.

Khi các nhà vật lí mặt trời nói tới sự đảo cực của từ trường Mặt trời, họ tập trung vào “tấm chăn dòng điện”. Tấm chăn dòng điện là một mặt ưỡn ra từ xích đạo của Mặt trời, nơi từ trường đang quay chậm của Mặt trời gây cảm ứng một dòng điện. Bản thân dòng điện đó là nhỏ, chỉ một phần mười tỉ của một ampere trên mét vuông (0,0000000001 A/m2), nhưng nó chạy qua một vùng dày 10.000 km và rộng hàng tỉ km. Nói cách khác, toàn bộ nhật quyển được tổ chức vòng quanh tấm chăn khổng lồ này.

Lúc đảo cực từ, tấm chăn dòng điện trở nên dậy sóng. Scherrer ví các gợn sóng đó giống như các đường chỉ may trên quả bóng chày. Khi Trái đất quay xung quanh Mặt trời, chúng ta chìm vào rồi đi ra khỏi tấm chăn dòng điện. Các biến đổi từ phía này sang phía bên kia có thể làm khuấy đảo thời tiết vũ trụ xung quanh hành tinh chúng ta.

Các tia vũ trụ cũng bị ảnh hưởng. Chúng là những hạt năng lượng cao được gia tốc đến gần bằng tốc độ ánh sáng bởi những vụ nổ sao siêu mới và những sự kiện dữ dội khác trong thiên hà. Tia vũ trụ gây nguy hại đối với nhà du hành và tàu thám hiểm vũ trụ, và một số nhà nghiên cứu cho biết chúng có thể ảnh hưởng đến độ bao phủ mây và khí hậu trên Trái đất. Tấm chăn dòng điện hiện nay có tác dụng như một lá chắn tia vũ trụ, làm chúng lệch hướng khi chúng xâm nhập vào phía trong hệ mặt trời. Một tấm chăn dậy sóng, uốn lượn là một lá chắn tốt hơn trước những hạt năng lượng cao đến từ vũ trụ này.

Theo wso.stanford.edu/, NASA, PhysOrg.com

Mời đọc thêm