10 nhà vật lí đi tiên phong

Hiệp Khách Quậy Từ vật lí hạ nguyên tử cho đến vũ trụ học, dưới đây là 10 nhà vật lí tiên phong đã khai sinh ra những hướng đi mới trong lịch sử nghiên cứu khoa học vật lí. Danh sách lập bởi Robin McKie thuộc trang The Observer. Xin mời đọc tiếp.

Từ vật lí hạ nguyên tử cho đến vũ trụ học, dưới đây là 10 nhà vật lí tiên phong đã khai sinh ra những hướng đi mới trong lịch sử nghiên cứu khoa học vật lí. Danh sách lập bởi Robin McKie thuộc trang The Observer.

Isaac Newton

Isaac Newton

Là người đồng phát minh ra giải tích, người có đóng góp lớn cho ngành quang học và là một nhà toán học cừ khôi, Isaac Newton (1643-1727), quê quán ở Lincolnshire, nước Anh, đã thiết lập các định luật cơ học đặt nền tảng cho vô số phát triển sau đó của vật lí cổ điển. Quan trọng hơn hết thảy, Newton đã thiết lập nguyên lí hấp dẫn, giải thich các hành tinh quay xung quanh mặt trời như thế nào. Trong cuộc đời của mình, ông đã nhận vô số vinh quang, trong đó có vị trí chủ tịch Hội Hoàng gia. Ông nổi tiếng là người theo chủ nghĩa duy lí cực đoan, mặc dù thật ra ông có viết nhiều về thuật giả kim và tôn giáo, trong đó có một chuyên luận 300.000 từ nhằm nỗ lực chứng minh Đức Giáo hoàng thật ra là Kẻ thù của Chúa.

Niels Bohr

Niels Bohr

Quê quán ở Copenhagen, Bohr (1885-1962) đã phát triển một mô hình hiện đại của nguyên tử, nó có một hạt nhân ở trung tâm cùng với các electron quay xung quanh nó. Khi các electron chuyển từ một mức này sang mức khác, chúng phát ra những lượng tử năng lượng rời rạc. Công trình này đã mang về cho Bohr giải Nobel năm 1922. Vì những thành tựu của ông, hãng bia Carlsberg đã tặng Bohr một món quà đặc biệt: một ngôi nhà có đường ống dẫn nối với nhà máy bia kế bên của hãng, vì thế ông uống bia miễn phí “bao bụng” trọn đời. Vào năm 1954, Bohr đã hỗ trợ thành lập CERN, tổ chức nghiên cứu vật lí hạt châu Âu. Vào năm 1975, con trai của ông, Aage Bohr, giành giải Nobel cho nghiên cứu về hạt nhân nguyên tử.

Galileo Galilei

Galileo Galilei

Quê quán ở Pisa, Galileo (1564-1642) ban đầu học làm bác sĩ. Khi nghe nói về phát minh kính thiên văn vào năm 1609, ông đã tự chế tạo kính thiên văn của riêng mình và hướng nó lên bầu trời, vén màn sự tồn tại của các vết đen mặt trời và bề mặt lởm chởm núi non trên mặt trăng: bầu trời không phải là hoàn hảo. Những nghiên cứu của ông còn ủng hộ cho quan điểm rằng Trái đất quay xung quanh mặt trời. Quan điểm này đã khiến Galileo gặp rắc rối với Giáo hội Thiên chúa và ông bị buộc phải rút lại sự hậu thuẫn đó vào năm 1633. Nghiên cứu của ông về vật rơi cũng đặt nền tảng cho các lí thuyết sau này của Newton.

Albert Einstein

Albert Einstein

Có ba lí thuyết lớn tạo nên sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ: thuyết tương đối, cơ học lượng tử và thuyết hấp dẫn. Lí thuyết thứ nhất là công sức của người Mĩ gốc Đức Albert Einstein (1879-1955), người được xem là nhà vật lí vĩ đại nhất thế giới. Nghiên cứu của ông cho thấy không gian và thời gian không phải bất biến mà là chất lưu và có thể uốn cong được. Einstein còn giới thiệu với thế giới công thức nổi tiếng nhất của ông, E = mc2, công thức chứng minh sự tương đương của khối lượng và năng lượng. Tên tuổi của ông đã trở nên đồng nghĩa với khái niệm thiên tài và ông đã chết trong vinh quang. Ông được trao giải Nobel vật lí năm 1921.

James Clerk Maxwell

James Clerk Maxwell

Trái với Newton và Einstein, Maxwell (1831-79) quê ở Edinburgh hầu như ít được công chúng biết tới. Nhưng đóng góp của ông cho vật lí học là rất to lớn, nhất là khám phá lí thuyết điện từ học. Lí thuyết này cho thấy lực điện, lực từ và ánh sáng là những hiện thân của cùng một hiện tượng, đó là trường điện từ. Sự ra đời của radio, ti vi và radar là những hệ quả trực tiếp. Maxwell còn tiến hành nghiên cứu tiên phong về quang học và sự nhìn màu sắc. Tuy nhiên, trong những năm về sau, nền giáo dục Scotland sùng bái tuyệt đối với Chúa đã khiến ông phản đối quan điểm mang tính cách mạng của Darwin và những nhà khoa học khác, và ông đã viết các bài báo phản bác khái niệm chọn lọc tự nhiên.

Michael Faraday

Michael Faraday

Phần lớn nhờ tự học, Faraday (1791-1867) đã trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất vào thời của ông nhờ sự đỡ dầu của nhà hóa học lỗi lạc người Anh Humphry Davy, người thuê ông làm trợ lí vào năm 1813. Faraday đã đi tới thiết lập khái niệm trường điện từ và khám phá ra sự cảm ứng điện từ và các định luật diện phân. Các dụng cụ điện từ của ông đã thiết lập nền tảng cho công nghệ động cơ điện. Ông đã hai lần từ chối tấn phong hiệp sĩ và khi được hỏi xin cố vấn về vũ khí hóa học ông cũng đã từ chối. Einstein có treo một bức ảnh của Faraday trên tường làm việc của ông (cùng với ảnh của Newton và Maxwell).

Marie Curie

Marie Curie

Là người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel và là người đầu tiên nhận hai giải Nobel khác nhau, Curie (1867-1934) quê quán ở Ba Lan và giành giải Nobel đầu tiên của bà vào năm 1903 cùng với chồng bà, Pierre, cho việc khám phá ra sự phóng xạ. Tuy nhiên, bà đã không được phép tham dự buổi thuyết giảng do những người thắng giải trình bày bởi vì bà là phụ nữ. Sau khi Pierre qua đời do tai nạn giao thông vào năm 1906, bà giành giải Nobel lần thứ hai của bà vào năm 1911 cho việc khám phá ra radium, bất chấp một nỗ lực muốn hủy bỏ nó khi tin tức đăng tải chuyện bà dan díu với người đồng nghiệp đã có vợ, Paul Langevin. Sau khi nhận giải, Curie đã bị báo chí Pháp bêu riếu. Còn Langevin thì chẳng ai động tới.

Richard Feynman

Richard Feynman

Là một trong những nhà vật lí lỗi lạc nhất và hoa mĩ nhất thế kỉ 20, Feynman (1918-88) có vai trò quan trọng trong sự phát triển của điện động lực học lượng tử, lí thuyết mô tả cách thức ánh sáng và vật chất tương tác, mang về cho ông giải thưởng Nobel năm 1965. Feynman còn đóng góp cho các lĩnh vực điện toán lượng tử và công nghệ nano và là một thành viên của Ủy ban Rogers có nhiệm vụ điều tra NASA về sự cố tàu con thoi vũ trụ Challenger năm 1986. Ông là một tay trống cừ khôi. Feynman qua đời vào năm 1988, thọ 69 tuổi.

Ernest Rutherford

Ernest Rutherford

Rutherford (1871-1937) là nhà vật lí quê gốc New Zealand. Ông được xem là một trong những nhà vật lí thực nghiệm lỗi lạc nhất. Ông đã khám phá ra khái niệm chu kì bán rã và chứng minh rằng sự phóng xạ liên quan đến sự biến đổi một nguyên tố hóa học này thành nguyên tố khác. Ông được trao giải Nobel năm 1908 “cho những nghiên cứu của ông về sự phân hủy của các nguyên tố”. Sau này, Rutherford trở thành giám đốc của Phòng thí nghiệm Cavendish ở Đại học Cambridge, nơi dưới sự chỉ đạo của ông, neutron đã được khám phá ra bởi James Chadwick vào năm 1932 và thí nghiệm đầu tiên chia tách được hạt nhân do John Cockcroft và Ernest Walton thực hiện. Nguyên tố rutherfordium được đặt theo tên ông vào năm 1997.

Paul Dirac

Paul Dirac

Paul Dirac là một trong những nhân vật được trọng vọng nhất – và lạ lùng nhất – trong ngành vật lí. Cha người Thụy Sĩ và mẹ người Anh, Dirac (1902-84) chào đời ở Bristol. Ông đã dự đoán sự tồn tại của phản vật chất, thiết lập một số phương trình cơ bản của cơ học lượng tử và thiết lập nền tảng cho ngành công nghiệp vi điện tử ngày nay. Dirac giành giải Nobel năm 1933 nhưng ông vẫn là kẻ lập dị. Ông từ chối tấn phong hiệp sĩ vì ông không muốn người ta sử dụng họ của ông, còn cô con gái của ông, Monica, chưa từng nhớ thấy ông cười lần nào. “Sự cân bằng như thế này trên vòng xoáy giữa sự thiên tài và sự điên rồ thật là đáng nể,” Einstein nói về Dirac.

Nguồn: guardian.co.uk

Mời đọc thêm