Bầu trời đêm 2013 sẽ có một sao chổi sáng hơn cả trăng rằm

Hiệp Khách Quậy Hôm nay, ngôi sao chổi mới phát hiện này chỉ xuất hiện dưới dạng một cái chấm nhỏ xíu trên bầu trời phía gần Mộc tinh. Nhưng khoảng một năm nữa, nó sẽ là một trong những vật thể sáng nhất trên bầu trời đêm của chúng ta. Xin mời đọc tiếp.

Hôm nay, ngôi sao chổi mới phát hiện này chỉ xuất hiện dưới dạng một cái chấm nhỏ xíu trên bầu trời phía gần Mộc tinh. Nhưng khoảng một năm nữa, nó sẽ là một trong những vật thể sáng nhất trên bầu trời đêm của chúng ta.

Vitali Nevski và Artyom Novichonok, thuộc Mạng lưới Quang học Khoa học Quốc tế (ISON) ở Nga, đã phát hiện ra sao chổi C/2012 S1 (ISON) vào hôm 21 tháng 9 qua các bức ảnh chụp bởi một kính thiên văn phản xạ 40 cm. Những người quan sát bầu trời khác cũng đã sớm phát hiện ra nó, và Trung tâm Hành tinh Nhỏ thuộc Hiệp hội Thiên văn Quốc tế ở Cambridge, Massachusetts, đã công bố khám phá trên vào hôm 24 tháng 9.

 Ảnh minh họa sao chổi ISON

Ảnh minh họa sao chổi ISON trước lúc bình minh ngày 22 tháng 11, 2013 nhìn từ nước Anh

 Ảnh minh họa sao chổi ISON

Ảnh minh họa sao chổi ISON lúc mặt trời vừa lặn hôm 29 tháng 11, 2013 nhìn từ nước Anh

Từ các quan sát kết hợp, các nhà thiên văn đã có thể tìm ra quỹ đạo gần đây của sao chổi này và tìm thấy hình ảnh của nó qua ảnh chụp ngược đến cuối tháng 12 năm 2011. Từ đó họ tính ra một quỹ đạo gần như parabol mang sao chổi ISON lao gần như thẳng về phía mặt trời.

Các nhà thiên văn tại Đài thiên văn Remanzacco ở Italy cho rằng ISON sẽ sớt qua mặt trời ở cự li chưa tới 1,4 triệu km vào hôm 28 hoặc 29 tháng 11, 2013.

Quỹ đạo của ngôi sao chổi cũng cho biết nó là một kẻ mới đến từ đám mây Oort, một vành đai ở xa gồm những vật thể băng giá vây xung quanh hệ mặt trời. Chúng ta đã có một vị khách đến từ đám mây Oort hồi năm 2009, khi sao chổi xanh lục Lulin quét qua bầu trời với hai cái đuôi xinh đẹp.

Như với Lulin, bức xạ nhiệt cường độ mạnh do ISON bay gần mặt trời sẽ làm bay hơi lớp vỏ băng cứng của ngôi sao chổi, giải phóng bụi chứa bên trong, giúp nó mọc ra một cái đuôi hết sức sáng. Tạp chí Astronomy Now cho biết sao chổi ISON thậm chí có thể còn sáng hơn cả mặt trăng rằm lúc nó ở gần mặt trời nhất.

Đối với người quan sát trên Trái đất, sao chổi ISON sẽ xuất hiện ở gần đường chân trời và trước ánh chói của mặt trời, bạn sẽ khó trông thấy nó. ISON sẽ mờ dần nhưng trở nên dễ tìm hơn khi nó lao về phía ngoài hệ mặt trời. Vào hôm 9 tháng 12, 2013 nó sẽ sáng ngang như sao Bắc Cực. ISON có thể tiếp tục được nhìn thấy bằng mắt trần cho đến giữa tháng 1 năm 2014.

Nhưng theo các nhà thiên văn, hành trạng của những ngôi sao chổi mới tinh nguyên có quỹ đạo gần như sớt qua mặt trời là hết sức khó đoán trước. Kết quả có thể là một màn trình diễn ngoạn mục như sao chổi McNaught hồi tháng 1 năm 2007, hoặc là một số phận chết yểu như sao chổi Kohoutek hồi năm 1973.

123physics (thuvienvatly.com)
Theo New Scientist, Universe Today

Mời đọc thêm