Quan sát bầu trời là một việc không hề khó, tuy nhiên bầu trời không phải là một đối tượng chịu sự chi phối đáng kể của con người ( ít nhất là bây giờ ) nên có một vài yếu tố ảnh hưởng tới việc quan sát của chúng ta.
1/ THỜI TIẾT.Thật đáng tiếc là con người vẫn chưa có đủ sức chi phối được các yếu tố thời tiết vì vậy nên thời tiết đã trở thành yếu tố quan trọng nhất quyết định tới khả năng quan của chúng ta. Chắc hẳn những người yêu
thiên văn Miền Bắc sẽ không thể nào quên được hai lần quan sát nguyệt thực toàn phần năm 2011 cùng với một bầu trời đầy mây.
Bầu trời đầy mây là kẻ thù của quan sát
(Ảnh : Khoahoc.com)
Việt Nam là một nước nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, thời tiết nóng ẩm, nhiều mây, nhiều mưa nên việc cả một tháng không được nhìn thấy bầu trời xanh là việc không có gì đặc biệt với chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên cố gắng tận dụng tối đa thời gian quan sát trong những ngày đẹp trời.
2/ Ô NHIỄM ÁNH SÁNG.Ô nhiễm ánh sáng là thuật ngữ dùng để chỉ sự dư thừa ánh sáng tới mức không cần thiết cho con người và môi trường. Nguồn gây ô nhiễm ánh sáng chủ yếu là do ánh sáng nhân tạo của con người. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh hiện nay tại Việt Nam, để kiếm được một nơi quan sát lý tưởng có bầu trời tối đen ngày càng khó khăn. Đặc biệt là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… vấn đề này ngày càng trở lên nghiêm trọng. Những vì sao sáng hiện lên tại những nơi này như những chấm sáng mờ nhạt, cấp sao biểu kiến (sẽ đề cập trong các phần sau ) có thể quan sát được tăng lên đáng kể , việc quan sát những sao cấp 3 trở lên đã trở lên khó khăn. Bầu trời ở thành phố không còn hấp dẫn mọi người nữa cho dù có
kính thiên văn.
Quá nhiều thiết bị chiếu sáng tại thành phố
(Ảnh : yume.vn)
3/ KHÍ QUYỂN Khí quyển Trái Đất không phải là một khối không khí đồng nhất tại mọi nơi mà có mật độ thay đổi theo độ cao và chuyển động thành các dòng không khí. Điều này tạo lên sự nhiễu loạn khí quyển.
Do mật độ không khí của khí quyển không nhất đồng nên chiết suất của khí quyển không có một giá trị cố định mà thay đổi theo độ cao, nhiệt độ, áp suất khí quyển, điều kiện thời tiết….. Do sự chênh lệch về chiết suất giữa các vùng khí quyển như vậy nên ánh sáng từ bên ngoài vũ trụ đi xuống Trái Đất sẽ bị uốn cong dần, khiến cho vị trí của thiên thể không còn đúng nữa và dịch chuyển một góc nào đó ( hình vẽ). Góc này ( góc AOA’) được gọi là độ khúc xạ.
Ngay cả trong điều kiện thời tiết
đẹp, không khí trong khí quyển cúng không đứng yên một chỗ mà chúng chuyển động thành những dòng với nhiều hướng khác nhau. Điều này khiến cho ánh sáng từ các thiên thể tới mắt người quan sát sẽ không ổn định (đặc biệt là những ngôi sao), đây là lý do tại sao bạn thấy chúng "nhấp nháy".
Sự chuyển động của không khí
( Trích từ phim Monters Of The Milky Way)
Khu vực đường chân trời do có nhiều mây và nhiều dòng không khí đan xen nên độ khúc xạ biến thiên rất nhanh khiến cho các thiên thể ở gần đường chân trời trở lên lờ mờ, khó quan sát. Ví dụ rõ nét nhất cho sự nhiễu loạn khí quyển mạnh tại vùng đường chân trời chính là kích thước của Mặt Trời hay Mặt Trăng khi chúng mọc hay lặn.
Mặt Trăng tại vùng đường chân trời
(Ảnh: Stefano De Rosa)