Trên những chuyến tàu xuất bến, học sinh huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vượt sóng mang theo những ước mơ vào đất liền dự thi đại học.Đằng sau những ước mơ
Một mùa thi tuyển sinh ĐH, CĐ nữa lại đến. Từ số báo hôm nay, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc, nhất là các bạn thí sinh, chuyện về những bạn trẻ đã, đang và sẽ bắt tay vào thực hiện ước mơ của cuộc đời mình bằng nỗ lực không mệt mỏi của bản thân.
TUỔI TRẺThầy Ngô Đình Mẫn - hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn - cho biết trường có khoảng 400 thí sinh đăng ký dự thi. Trong số đó, chúng tôi có dịp gặp hai sĩ tử Lê Thị Phượng và Mai Văn Lộc. Mỗi em mỗi hoàn cảnh éo le, nhưng ở cả hai em ánh lên ước mơ trở thành những cô giáo, kỹ sư.
Cha - động lực trước ngày thiHơn nửa tháng trước, em Lê Thị Phượng (lớp 12D6 Trường THPT Lý Sơn) nghe tin dữ: cha bị nạn trôi dạt trên biển. Cha em chính là ông Lê Văn Trị, một trong 16 ngư dân trên tàu QNg 96084 bị cháy ngày 9-6 (Tuổi Trẻ ngày 12-6). Phượng chết lặng, việc ôn thi khựng lại nhường chỗ cho sự lo lắng, ngóng chờ tin cha giữa trùng khơi. May mắn cha trở về, Phượng ra bến đón cha với niềm vui khôn tả. Phượng ôm cha hứa: “Con sẽ gắng thi đậu đại học cho cha vui, cha à...”.
Nhà Phượng ở thôn Tây, xã An Hải. Là con gái đầu, Phượng vừa học vừa chăm sóc ba đứa em và coi sóc việc nhà. Công việc chiếm hết thời giờ, Phượng gần như không có lịch ôn thi cố định, rảnh lúc nào học lúc đó.
Bức tường cũ kỹ vữa bong tróc ở gian nhà chính chật kín giấy khen, đó là niềm tự hào của cha mẹ Phượng mỗi khi có khách tới nhà. Phượng tâm sự do không đủ tiền mua sách ôn thi, phải xin tài liệu những anh chị khóa trước ôn tập chuẩn bị thi vào Đại học Quy Nhơn để thực hiện ước mơ cháy bỏng trở thành cô giáo. Tưởng chuyến đi biển của cha sẽ mang về ít tiền cho Phượng đi thi, cuối cùng cha trắng tay trở về sau một đêm lênh đênh trên biển. Ngày thi cận kề, tài sản lớn của gia đình là những bao hành tỏi được vét hết đem bán lấy kinh phí cho Phượng đi thi. “Em là con đầu, không thể đi biển phụ giúp gia đình được nên sẽ cố gắng học để sau này có thể phụ ba mẹ chăm các em” - mắt Phượng đỏ hoe.
Giá mà cha em còn sốngTìm đến nhà sĩ tử Mai Văn Lộc (thôn Tây, An Hải) vừa lúc Lộc đi làm về. Lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, Lộc cười chia sẻ: “Chuẩn bị vào vụ hành mà nhà không có người, em tranh thủ buổi sáng đi làm đất giúp mẹ. Còn mẹ em đi phụ bán hàng trên chợ, trưa mới về nhà”.
Căn nhà rộng lớn chưa kịp hoàn thành phần nội thất, vách tường phía sau nhà còn chưa tô, lâu ngày rêu bám xanh. Nhà xây từ năm 2011, làm chưa xong cha Lộc đi biển bị đau ruột thừa rồi qua đời giữa biển. Nhà ngừng xây, việc học của anh trai lớn đành dang dở chỉ vài tháng trước kỳ thi đại học. Bà Hồng, mẹ Lộc, bị bệnh u, sau khi chồng mất, bà không đi khám cũng chẳng uống thuốc, bác sĩ nói phải mổ nếu không sẽ di căn là không chữa được nhưng bà không thể.
Bà Hồng nói niềm hạnh phúc lớn nhất là những đứa con vẫn chăm ngoan học giỏi dù không có ba. Bà cho biết mấy con biết mẹ không làm gì ra tiền nên chẳng dám tiêu pha. “Hồi đó cha tụi nhỏ mất, nợ nần làm nhà cả trăm triệu đồng, ba năm rồi vẫn chưa trả xong, thằng lớn nghỉ học. Lần này có khó mấy cũng ráng cho Lộc học đến nơi đến chốn” - bà Hồng nói chắc nịch. Càng đến gần ngày thi của Lộc, bà Hồng làm thợ “đụng”, ai thuê gì làm nấy. Với bà lúc này kiếm tiền cho Lộc đi thi còn quan trọng hơn căn bệnh u đang hành hạ mỗi ngày.
Bữa cơm trưa gia đình miền biển chẳng có gì ngoài tô canh rau, đĩa cá kho. Vừa ăn xong Lộc vội ngồi vào bàn học. Còn bà Hồng giữa trưa nắng hầm hập cũng tần tảo đi tưới nước thuê ở ruộng hành. Lộc cho biết: “Mấy hè trước em còn ra ghềnh bắt ốc, ngày kiếm được vài chục nghìn phụ mẹ. Năm nay thi nên chẳng làm gì được, mẹ yếu người lại đi làm giữa trưa trời nắng, em lo lắm”. Lộc đăng ký thi ngành công nghệ Trường ĐH Phạm Văn Đồng. “Nếu thi đậu, học gần nhà em có thể về phụ mẹ cuối tuần. Giá mà cha còn sống...” - Lộc trầm ngâm.
Chưa bao giờ cần sống đến thếCha em Phượng, ông Lê Văn Trị, tâm sự sau giây phút vật lộn trên biển, ngồi trên mui thuyền người mệt lả ông chỉ nghĩ đến đứa con gái đầu đang cận kề ngày thi đại học. Trước giờ tàu xuất bến, Phượng - con ông - còn đi theo ra bờ nhắc đi nhắc lại thời gian thi để cha nhớ về cho kịp. Quay lại nhìn ông chỉ biết dặn con chăm chỉ ôn luyện chờ chuyến biển này về có ít tiền hai cha con sẽ cùng đi thi. Ai ngờ tàu bị cháy...
Ông Trị vẫn nhớ cảm giác hạnh phúc khi tàu HP17 tiến về phía 16 ngư dân. Ông ôm chầm lấy từng người, reo lên trong niềm vui khôn tả. Hôm về đến bờ hai cha con ông ôm nhau khóc rưng rức, nước mắt mừng vui chan lẫn nỗi nghẹn ngào. Chạm chân vào đất liền ông mới thật sự hoàn hồn, biết mình đã có cơ hội đưa con gái bước vào trường thi để vào đời. “Trong đời chưa bao giờ tôi cần sống đến thế” - ông Trị tâm sự.
Thời gian sắp thi đại học ông Tri còn nóng lòng hơn con. Phượng đi thi, ông muốn đi theo để động viên đứa con đã chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng từng ấy tiền “hành tỏi” chỉ đủ để con ông đi một mình. Ông đành ngậm ngùi động viên con và tự hứa với lòng ít ngày nữa sẽ xin tàu đi biển để nếu con có đậu sẽ có tiền nhập học.
NGUỒN: TUỔI TRẺ ONLINE