Giáo sư Timothy Leighton, thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi đã mô phỏng hệ thống rađa theo nghiên lý sử dụng sóng sonar của cá heo. Hệ thống này có khả năng phân biệt chính xác vật liệu thường và vật liệu nổ".
Ông nói thêm cá heo có thể sử dụng sóng sonar để xác định và làm choáng con mồi dưới nước, bằng cách tạo ra những vòng bong bóng khí bao quanh để nhốt con mồi. Khả năng định vị sonar của cá heo hoạt động theo cách thức đặc biệt và vô cùng chính xác.
Lấy ý tưởng từ đó, các nhà khoa học đã tạo ra hệ thống sonar xung kép nghịch đảo hay còn gọi là TWIPS. Qua những kiểm chứng, hệ thống này hoạt động khá hiệu quả so với các hệ thống sonar thường.
Không dừng lại tại đây, các nhà khoa học đã thay sóng âm thanh sonar bằng sóng điện từ, tạo ra loại rađa xung kép nghịch đảo, hay còn gọi TWIPR. Với loại rađa TWIPR, các nhà khoa học dễ dàng dò tìm một ăngten lưỡng cực siêu nhỏ, đây là thiết bị thường có trong bom hoặc các thiết bị liên lạc bí mật.
Kết quả đạt hơn mong đợi, hệ thống rađa này không chỉ xác định chính xác vị trí các vật liệu nổ, nó còn được dùng để theo dõi khu vực xung quanh người nào đó, xem liệu có bất kỳ thiết bị gây nổ nguy hiểm hay không.
So với âm thanh bình thường, tín hiệu âm thanh sonar mạnh hơn nhiều lần, được so sánh mạnh gấp hàng triệu lần so với tiếng gào của con người. Một số tính hiệu sonar có tần số cao trong dải số âm thanh, tai người không thể nghe thấy.
Thiết bị sonar là thiết bị dùng sóng âm thanh dội lại để dò tìm và xác định vị trí của vật ở dưới nước.TRÙNG DƯƠNG (Theo Gizmag)
NGUỒN: TUỔI TRẺ ONLINE