Trong chuyến thăm VN lần này, ông Charles Bolden - giám đốc Cơ quan Hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) - dành một buổi nói chuyện với học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vào sáng 11-12.Hơn 200 học sinh có mặt tại hội trường để diện kiến vị giám đốc NASA. Cuộc trò chuyện cởi mở bằng tiếng Anh giữa các em học sinh và vị giám đốc NASA kéo dài hơn một giờ xoay quanh những thành tựu, dự định trong tương lai của khoa học vũ trụ, về cuộc sống khác biệt của các nhà du hành vũ trụ...
Charles Bolden bắt đầu nhiệm vụ giám đốc thứ 12 của NASA từ tháng 7-2009. Trong thời gian 1980-1994, ông đã bốn lần bay vào không gian, trong đó có hai chuyến làm chỉ huy. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Bolden nói trong số các mục tiêu, ông mong muốn hướng trẻ em quan tâm tới khoa học và toán học, đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế của NASA. Trong một lần nói chuyện với học sinh tiểu học ở Ireland, Bolden nói lời khuyên tốt nhất ông nhận được là từ một học sinh lớp 4: “Chúng ta sẽ không bao giờ biết nếu không thử”.Khơi dậy niềm đam mê khoa họcÔng Charles Bolden đã kể cho các bạn trẻ về trải nghiệm của bốn lần bay vào vũ trụ của mình. Có những điều mà nhiều người từng được nghe, biết trên các kênh thông tin khác nhau, nhưng được nghe từ chính một nhà du hành vũ trụ với các em học sinh vẫn là điều thú vị.
“Chúng tôi đã làm việc trên trạm vũ trụ, cùng nhau nghiên cứu, cùng nhau ngắm Mặt trăng ở một khoảng cách gần, quan sát những chuyển động của các hành tinh trong không gian. Môi trường thay đổi thì cách sống cũng thay đổi hoàn toàn so với ở dưới mặt đất. Trong môi trường khác biệt đó, tinh thần đồng đội vô cùng quan trọng. Nếu không có điều đó, ta có thể gặp nguy hiểm” - ông Bolden cho biết.
Các bạn học sinh bật cười khi ông Bolden kể về việc khi ăn, ngủ, đi lại, làm vệ sinh cá nhân trên trạm vũ trụ phải thế nào. “Thức ăn đưa vào miệng, nếu không cẩn thận nó có thể bay ra ngoài”- ông Bolden kể. Những việc nhỏ nhặt như thế cũng phải học và còn nhiều việc lớn hơn mà các nhà khoa học phải vượt qua khó khăn, đôi lúc đối mặt với những sự cố bất thường đầy nguy hiểm.
Ông Bolden cho biết: “Chuyến bay lần đầu vào vũ trụ của tôi tháng 1-1986. Đó là điều thú vị nhất tôi từng trải qua trong đời mình. Nhưng cũng trong chuyến đó, tôi mất bảy đồng nghiệp - bảy người bạn tốt chỉ trong tích tắc. Nhưng không nên vì thế mà nản chí”. Ông muốn khơi dậy sự đam mê và dũng cảm dấn thân của những bạn trẻ từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông.
Kết hợp với những hình ảnh được trình chiếu, ông Bolden đã giới thiệu cho các bạn học sinh những thiết bị nghiên cứu về không gian như robot thám hiểm sao Hỏa, các trạm nghiên cứu không gian và vệ tinh, việc khai thác, sử dụng các thiết bị đó thế nào trong công việc nghiên cứu trong không gian...
Một học sinh bày tỏ băn khoăn: “Đầu tư cho những thiết bị hiện đại và đắt tiền như thế, tại sao NASA không nghiên cứu đến khả năng nhiều người cùng được tham gia nghiên cứu về vũ trụ?”. Ông Bolden nhận xét: “Đó là câu hỏi hay và điều em học sinh đó hỏi cũng là điều NASA nghĩ tới cho tương lai”.
Tới cuối buổi giao lưu, vẫn có học sinh gặp bằng được ông cũng chỉ để bày tỏ mong muốn: “Theo đuổi mơ ước chinh phục không gian và phải làm gì từ bây giờ cho ước mơ đó?”.
Học chăm chỉ, làm việc chăm chỉ và không sợ hãi“Study hard, work hard, don’t be afraid of failure”- ông Bolden đã nhấn mạnh điều này khi đề cập quá trình tìm tòi, làm việc của những nhà khoa học. Đó cũng là thông điệp ông muốn chia sẻ với các bạn học sinh đang băn khoăn về việc “nên làm gì nếu mình mơ ước”. Ông cho rằng dù làm khoa học hay làm bất cứ việc gì đều cần phải kiên định và theo đuổi đến cùng, không sợ khó khăn, không nản chí trước thất bại.
“Các bạn không được sợ thất bại, không được sợ thách thức những người khác. Hãy thách thức các thầy cô. Tôi là thầy giáo không có nghĩa lúc nào tôi cũng đúng. Ở NASA cũng vậy, tôi là sếp ở đó, nhưng không phải lúc nào tôi cũng đúng. Trường học dạy các bạn nhưng tự các bạn phải phát triển tư duy phản biện. Nếu muốn đưa đất nước mình tiến càng xa càng tốt, các bạn phải có tư duy phản biện, phải tìm cách thức mới trong công việc và những cách thức giúp các bạn cạnh tranh được khắp thế giới. Các bạn còn có lợi thế: hầu hết đều nói một ngoại ngữ, thậm chí có người nói mấy ngoại ngữ. Điều đó giúp các bạn hiểu được các nền văn hóa khác. Đừng sợ thất bại, miễn là các bạn làm việc chăm chỉ để chuẩn bị sẵn sàng” - lời khuyên của giám đốc NASA với các học sinh trong buổi đối thoại.
Với lời khuyên “Study hard, work hard, don’t be afraid of failure”, một học sinh đã mạnh dạn “sửa lại” là nên nói “Làm việc hiệu quả, học tập hiệu quả...” mới đúng. Ông Bolden cảm thấy vui vì sự phản biện thú vị này.
Trước những câu hỏi liên quan đến cơ hội làm việc trong ngành khoa học vũ trụ nói chung và làm việc ở NASA nói riêng, ông Bolden khẳng định: “Các bạn luôn có cơ hội. Nhưng trước hết các bạn phải yêu thích, say mê. NASA luôn đón chào những người đam mê vũ trụ đăng ký vào chương trình nghiên cứu của NASA!”.
Vị giám đốc NASA cũng cho biết: Ở Mỹ luôn tạo điều kiện cho sinh viên đại học làm việc với NASA trong sáu tháng như một đợt thực tập. Bởi để tạo ra thế hệ nhà khoa học trẻ, rất cần để sinh viên tiếp cận sớm với ngành khoa học công nghệ vũ trụ. Ông mong muốn VN cũng tìm tòi phát hiện những học sinh, sinh viên có tiềm năng đam mê khoa học thiên văn, vũ trụ thật sự để đào tạo, bồi dưỡng, tìm kiếm cơ hội cho họ tham gia nghiên cứu khoa học.
Tôi không quan tâm tới “ngày tận thế”Một học sinh hỏi: “Ở góc độ khoa học, ông có quan ngại về thời điểm được gọi là “ngày tận thế” 21-12-2012 không?”. Câu trả lời của vị giám đốc NASA vừa hóm hỉnh lại nhiều ẩn ý: “Hiện tôi đang tập trung vào một số ngày, 21-12 không nằm trong số đó. Những ngày tôi đang tập trung là mùa thu 2014. Chúng tôi sẽ thử nghiệm chuyến bay không người đầu tiên với tàu vũ trụ Orion để chứng minh về khả năng của tàu vũ trụ vĩ đại nhất của loài người. Một ngày khác là vào năm 2017, chúng tôi dự định tiến hành được các chuyến bay thương mại chở người vào vũ trụ. Một ngày lớn khác mà tổng thống Mỹ bảo tôi làm là vào giữa những năm 2030, chúng tôi có thể sẽ đưa người lên sao Hỏa”.
Một học sinh hỏi: “Vậy còn chuyện từ trường khiến Trái đất bị đảo cực?”. Ông Bolden nói vui: “Về lý thuyết, chuyện đó có thể xảy ra theo thời gian. Nhưng cho tới giờ nó vẫn chưa xảy ra. Tôi cũng không biết tại sao”. Câu nói này khiến nhiều học sinh cười ồ.
VĨNH HÀ - HƯƠNG GIANG - NGỌC HÀ
“Không thử thì làm sao mà cậu biết được?”Hồi nhỏ tôi chưa bao giờ mơ trở thành phi hành gia. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Học viện Hải quân và nghĩ là sẽ vào hải quân làm. Sau đó tôi gặp một sĩ quan lính thủy đánh bộ rất ấn tượng và tôi muốn được giống như ông ấy. Vậy là tôi gia nhập lính thủy đánh bộ. Nhưng tôi không thích bò trong bùn nên lại đi tìm kiếm điều mình thích và phát hiện lính thủy đánh bộ có cả máy bay nên đã học lái.
Ở bang South Carolina, tôi tập lái cùng với một đồng nghiệp. Ông ấy luôn mơ ước trở thành phi hành gia. Chúng tôi nói chuyện và ông ấy hỏi tôi có muốn làm phi hành gia không. Tôi nói không. Ông ấy hỏi tại sao. Tôi nói: Họ sẽ chẳng chọn tôi bao giờ. Ông ấy nhìn tôi và bảo đó là điều ngớ ngẩn nhất ông ấy từng nghe, rồi nói: Không thử thì làm sao mà cậu biết được? Bởi vậy các bạn đừng bao giờ sợ thất bại.
Giám đốc NASA Charles BoldenNguồn: Tuổi Trẻ Online