Từng giành quyền tuyển thẳng vì đoạt HCĐ Olympic Toán quốc tế để học dược nhưng Huy cho rằng mình chọn nhầm ngành nên quyết định nghỉ học, thi lại.Chiều tối 25-7, điện thoại của Võ Văn Huy (ảnh) liên tục báo tin nhắn “Chúc mừng tân thủ khoa của ĐH Bách khoa TP.HCM, 28,75 điểm (toán 10, hóa 9,5, lý 9,25)”. Nhận tin nhắn Huy cứ tưởng bạn bè đùa, cho đến khi xem điểm của ĐH Bách khoa trên mạng em mới tin đó là kết quả thi của mình.
Cơ hội để thực hiện niềm đam mêHuy kể, trong giờ thi môn toán, gần nửa thời gian làm bài Huy bị chảy máu cam. Huy đã ráng chịu đựng và ngửa mặt để khắc phục tình trạng chảy máu cam rồi tiếp tục làm bài. Huy không ngờ mình đã đạt điểm tối đa môn này.
Huy nhớ lại tâm trạng đầy áp lực khi bước vào phòng thi. Đọc đề thi em hoa mắt, đầu óc mông lung, cứ suy nghĩ về giải thưởng toán cao nhất từng đạt được. Chừng 10 phút em gạt phăng suy nghĩ đó ra khỏi đầu và tập trung đọc kỹ đề thi và tự nhủ phải làm bài thật tốt. Đây là cơ hội để chọn lại ngành học, thực hiện niềm đam mê của mình. Huy cho rằng mình đã chọn ngành học không phù hợp. Năm ngoái em đã dùng quyền tuyển thẳng để chọn học khoa Dược của ĐH Y Dược TP.HCM. Kết thúc học kỳ 1 năm nhất, Huy quyết định bỏ và đi học Anh văn để thi ĐH lại với ngành mình đam mê. Và Huy đã thành công bước đầu với ước mơ đó - thủ khoa của ĐH Bách khoa TP.HCM 2012 - ngành khoa học máy tính.
Đón tin vui trong lặng lẽHuy xuất thân từ gia đình làm nông. “Huy nghèo” là biệt danh mà hàng xóm, bạn bè gọi em. Nhà có vỏn vẹn hai sào ruộng chỉ đủ gạo ăn cho gia đình năm người. Huy còn hai em gái (một học lớp 12, một lớp
. Kinh tế gia đình đang oằn gánh trên đôi vai của ba mẹ em. Năm học lớp 12, niên khóa 2010-2011, Huy đoạt giải nhì Toán quốc gia và được vào đội tuyển đi dự thi Olympic Toán quốc tế ở Hà Lan. Dạo ấy phải ra Hà Nội tham dự khóa học với đội tuyển hai tháng nhưng ba mẹ Huy không có đủ tiền cho con trang trải nên phải nhờ đến sự giúp đỡ của nhà trường, bạn bè, thầy cô và chính quyền địa phương hỗ trợ một phần kinh phí. Lần thi toán quốc tế ấy đoàn Việt Nam đoạt sáu huy chương đồng (trong đó có Huy). Thông tin tràn ngập trên báo chí. Bạn bè, thầy cô tìm đến nhà em để chúc mừng, chung vui nhưng niềm vui đến với em trong lặng lẽ bởi ba mẹ và em gái của Huy đều đi làm thuê.
Hôm nay, đậu thủ khoa ĐH, một lần nữa Huy đón nhận tin vui trong lặng lẽ. “Ba mẹ chắt chiu từng đồng tiền làm thuê để nuôi ước mơ của em và sắp tới là đứa em gái vào ĐH nữa. Biết bao khó khăn đang đè nặng nhưng ba mẹ em chưa bao giờ than khổ chuyện tiền bạc với con cái. Em luôn tìm học bổng toàn phần ở các trường nước ngoài để bớt gánh lo cho ba mẹ nhưng cơ may chưa đến vì em hơi yếu tiếng Anh. Sau một năm học tiếng Anh, em đã đạt được trình độ IELTS 6.5. Em đang tiếp tục hành trình săn học hổng của mình…” - Huy chia sẻ.
Quyết tâm săn học bổng đi du họcHuy nhẩm tính chi phí gói ghém cho một sinh viên tối thiểu 2,5-3 triệu đồng/tháng. Vào năm nhất ĐH Bách khoa, Huy phải làm thêm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Huy đã nhận được một chỗ dạy kèm cho hai học sinh THCS với thù lao 1,2 triệu đồng/tháng. “Em sẽ ráng tìm thêm một chỗ dạy kèm nữa, coi như bước đầu có thể yên tâm về tài chính được rồi. Tuy vậy điều em lo lắng nhất là sợ ảnh hưởng đến việc học tập nhưng em sẽ cố gắng!” - Huy tính toán.
Huy rất muốn có một chiếc xe máy để di chuyển nhanh hơn, chủ động hơn về giờ giấc nhưng nghĩ tiền xăng, tiền gửi xe… chiếm một phần lớn chi phí hằng tháng nên em quyết định đi xe buýt và xe đạp. Huy còn lên kế hoạch cắt giảm phần ăn của mình cho rẻ hơn một chút bằng cách ăn chay nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
“Em đã chậm một bước rồi. Các bạn trong đội tuyển Olympic của em giờ là sinh viên năm hai, có đứa nhận học bổng toàn phần của ĐH Quốc gia Singapore, còn em thì phải thi lại ĐH, hơi chạnh lòng một chút. Trước mặt em là chặng đường tương lai còn dài nhưng với vốn tiếng Anh học miễn phí một năm tại Trung tâm Anh ngữ RES sẽ giúp em tự tin hơn. Em tin rằng một, hai năm đầu học ĐH Bách khoa TP.HCM em sẽ săn được học bổng toàn phần ở nước ngoài để đỡ lo gánh nặng cơm, áo cho ba mẹ em!” - Huy tự tin cho biết.
Chiều 25-7, khi đang làm thợ hồ tại một công trường, ông Võ Văn Mười, cha của em Võ Văn Huy, nhận được tin con trai đỗ thủ khoa.
Nhiều thầy cô giáo Trường THPT Lê Hồng Phong (Phú Yên) chạy đi tìm ông Mười để chúc mừng. Mừng mừng tủi tủi ông Mười kể: “Cách đây gần hai tháng, Huy từ TP.HCM trở về nhà với khuôn mặt buồn rười rượi bởi ước mơ du học phải gác lại khi phía Singapore thông báo không có học bổng. Cả gia sản nhà tôi không mua nổi chiếc vé máy bay làm sao dám nghĩ đến chuyện bỏ tiền cho con đi du học. Ngoài lo chuyện học hành cho Huy, làm thuê được đồng nào đều tập trung lo thuốc men chữa bệnh cho vợ và con gái nên tôi đành bất lực nhìn con chuẩn bị thi lại ĐH”. Huy mượn sách của người em họ rồi tự ôn lại bài để đi thi. Ngày thi đến gần, Huy vẫn tranh thủ làm hết mọi việc nhà, chăm sóc mẹ và em gái đau bệnh nằm một chỗ bởi cha phải đi làm thuê suốt ngày. “Ngày cháu đi thi, vợ chồng tôi lo lắm vì thời gian cháu ôn bài ngắn quá, không biết cháu còn nhớ được bao nhiêu kiến thức. Không ngờ, cháu đạt được kết quả vậy”.
Trong ngôi nhà nhỏ, mái tôn thấp lè tè nằm khép mình bên sông Ba ở thôn Phú Thứ, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa (Phú Yên), em gái của Huy là Võ Thị Bích Chi phải nằm một chỗ vì bị chứng u mạch máu, liệt chân phải từ nhỏ. Trong khi đó căn bệnh sỏi mật của mẹ Huy - bà Nguyễn Thị Kim Loan cũng ngày càng nặng. Gần một năm nay lúc nào Chi cũng bị đau nhức nên gia đình đưa đi khắp nơi để chữa trị. Mới đây, các bệnh viện ở TP.HCM đều lắc đầu nên gia đình đành đưa Chi về nằm một chỗ, ngày ngày tự chống chọi với những cơn đau nhức quằn quại.
Hiện tại, mọi chi tiêu của gia đình đều trông chờ vào tiền công làm thuê 140.000 đồng/ngày của ông Mười. “Cuộc sống gia đình quá khốn khó nhưng may nhờ con cái đều có ý chí vươn lên nên vợ chồng tôi lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Dù làm mướn cực khổ thế nào, cứ nghĩ đến ước mơ của con cái là tôi không thấy mệt” - ông Mười chia sẻ.
TẤN LỘC
QUỐC VIỆT (PL)
Nguồn: http://giaoduc.edu.vn