Bảng tuần hoàn hóa học tốc hành (Phần 84)

Hiệp Khách Quậy Trên lí thuyết, mọi nguyên tố lên tới số nguyên tử 94 có mặt trong thiên nhiên. Tuy nhiên, những nguyên tố nhất định, như astatine và francium, rất không bền nên hầu như không hiện diện trong vũ trụ. Toàn bộ kho astatine nguyên thủy đã biến... Xin mời đọc tiếp.

Astatine

Trên lí thuyết, mọi nguyên tố lên tới số nguyên tử 94 có mặt trong thiên nhiên. Tuy nhiên, những nguyên tố nhất định, như astatine và francium, rất không bền nên hầu như không hiện diện trong vũ trụ. Toàn bộ kho astatine nguyên thủy đã biến mất từ lâu trước đây, trong khi các nguyên tử mới (hình thành từ sự phân rã phóng xạ của các nguyên tố khác) bị phá vỡ gần như tức thì. Trong số 39 đồng vị của astatine, đồng vị sống lâu nhất (As-210) có chu kì bán rã 8,1 giờ và nhiều đồng vị có chu kì bán rã được đo theo nano giây. Thế nên tên gọi của nguyên tố, xuất xứ từ tiếng Hi Lạp astatos, có nghĩa là ‘không bền’, được chọn thật hợp.

Astatine chính thức là nguyên tố hiếm nhất. Tại mỗi thời điểm, ước lượng có 30 gam (1 oz) trong lớp vỏ Trái Đất. Bởi thế, astatine hoàn toàn chẳng có ứng dụng gì, mặc dù có thể có tiềm năng nào đó trong lĩnh vực xạ trị. Nó được xem là nguyên tố nặng nhất trong các halogen (vì hóa tính của tennessine vẫn chưa rõ), song các đặc tính của nó chỉ là trên lí thuyết. Nếu thu gom đủ thì astatine sẽ là chất rắn, nhưng sẽ bốc hơi tức thì do nhiệt sinh ra bởi bức xạ mạnh của nó.

Astatine

Radon

Nguyên tố 86 là kẻ giết người thầm lặng ẩn náu trong nền móng. Chất khí không màu, không mùi này được sinh ra bởi sự phân rã phóng xạ của uranium, và vừa vặn dò thấy được và tự nó có tính phóng xạ. Nó tích tụ trong các sàn đất kém thông gió, trong tầng hầm và các khu mỏ ở những nơi có đá móng chứa uranium như granite và đá phiến. Thật ra bạn chẳng muốn thở trong radon đâu: trong khi các hạt alpha do nó phát ra bị da bạn chặn lại, nhưng chúng gây tàn phá bên trong phổi. Ngoài ra, các sản phẩm phân rã của chúng – cái gọi là con cháu radon – là món cocktail gồm các đồng vị phóng xạ polonium, chì và bismuth. Hít thở radon là nguyên nhân phổ biến gây ung thư phổi, chỉ xếp thứ hai sau hút thuốc lá.

Radon là khí hiếm nặng nhất. Nó được tìm thấy trong các ‘xạ khí’ phát ra từ radium, actinium và thorium phóng xạ. Mặc dù nó được chiết xuất lần đầu tiên vào năm 1910 bởi William Ramsay (ông thích gọi nó là niton), nhưng người được vinh danh cho khám phá này là nhà vật lí Đức Friedrich Ernst Dorn (1848–1916). Vào năm 1900, Dorn đã lặp lại các thí nghiệm trước đó của Ernest Rutherford trên thorium.

Radon

Bảng tuần hoàn hóa học tốc hành
Dan Green
Bản dịch của Thuvienvatly.com

Phần tiếp theo >>

TẢI XUỐNG EBOOK

Mời đọc thêm