Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn – Stephen Hawking (Phần 8)

Hiệp Khách Quậy Kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta khiến chúng ta nghĩ rằng mọi chuyện xảy ra phải có nguyên nhân do cái gì đó xảy ra trước đó nữa, cho nên thật tự nhiên để chúng ta nghĩ rằng phải có cái gì đó – có lẽ là Chúa – đã làm cho vũ trụ... Xin mời đọc tiếp.

Kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta khiến chúng ta nghĩ rằng mọi chuyện xảy ra phải có nguyên nhân do cái gì đó xảy ra trước đó nữa, cho nên thật tự nhiên để chúng ta nghĩ rằng phải có cái gì đó – có lẽ là Chúa – đã làm cho vũ trụ xuất hiện. Nhưng khi chúng ta nói về vũ trụ như một tổng thể, điều đó là không nhất thiết. Hãy để tôi giải thích. Hãy tưởng tượng một con sông, chảy xuôi xuống triền núi. Cái gì gây nên dòng sông? Vâng, có lẽ mưa rơi trước đó trên núi. Nhưng rồi, cái gì gây ra cơn mưa? Một lời đáp hay sẽ là Mặt Trời, Mặt Trời chiếu sáng xuống đại dương và làm nước bốc hơi vào bầu trời và làm thành các đám mây. Vâng, vậy cái gì làm cho Mặt Trời tỏa sáng? À, nếu chúng ta nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ thấy quá trình gọi là nhiệt hạch, trong đó các nguyên tử hydrogen hợp nhất thành helium, giải phóng lượng năng lượng vô cùng lớn trong quá trình ấy. Cho đến đây mọi thứ đều suôn sẻ. Hydrogen từ đâu mà có? Câu trả lời: Big Bang. Song đây là chỗ quan trọng. Các định luật của tự nhiên cho chúng ta biết rằng không những vũ trụ có thể đi vào hiện hữu và không gặp trở ngại gì, mà còn có khả năng chẳng có gì gây ra Big Bang hết. Không gì cả.

Lời giải thích nằm ở các lí thuyết của Einstein, và những nhận thức sâu sắc của ông về cách không gian và thời gian trong vũ trụ về cơ bản hòa quyện với nhau. Cái gì đó rất tuyệt vời đã xảy ra với thời gian tại thời khắc Big Bang. Thời gian tự nó ra đời.

Để hiểu được ý tưởng dị thường này, hãy xét một lỗ đen trôi nổi trong không gian. Một lỗ đen tiêu biểu là một ngôi sao nặng đến mức nó co sụp trên chính nó. Nó nặng đến mức cả ánh sáng cũng không thể thoát khỏi sức hút hấp dẫn của nó, đó là lí do nó hầu như hoàn toàn đen. Lực hút hấp dẫn của nó quá mạnh, nó làm bẻ cong và biến dạng không chỉ ánh sáng mà cả thời gian nữa. Để thấy bằng cách nào, hãy tưởng tượng một cái đồng hồ đang bị nuốt chửng vào một lỗ đen. Khi cái đồng hồ tiến càng lúc càng gần lỗ đen, nó bắt đầu chạy chậm dần và chậm dần. Thời gian tự nó bắt đầu trôi chậm lại. Bây giờ hãy tưởng tượng cái đồng hồ khi nó đi vào lỗ đen – vâng, tất nhiên giả sử nó chịu được lực hấp dẫn cực mạnh ấy – nó sẽ thật sự ngừng chạy. Nó ngừng chạy không phải vì nó bị hỏng, mà vì ở bên trong lỗ đen thời gian tự nó không tồn tại. Và đó chính là cái xảy ra tại lúc khởi đầu của vũ trụ.

Trong mấy trăm năm gần đây, chúng ta đã có những tiến bộ ngoạn mục trong nhận thức của chúng ta về vũ trụ. Ngày nay chúng ta biết rằng các định luật chi phối tất cả những gì xảy ra ngoại trừ những điều kiện cực độ nhất, ví như nguồn gốc của vũ trụ, hay các lỗ đen. Vai trò của thời gian tại thời khắc ra đời vũ trụ, theo tôi tin, là chìa khóa cuối cùng để bác bỏ yêu cầu một nhà thiết kế vĩ đại và vén màn cách vũ trụ tự sáng thế.

Khi chúng ta du hành ngược thời gian về thời khắc Big Bang, vũ trụ càng lúc càng nhỏ hơn và nhỏ hơn, cho đến cuối cùng là một điểm tại đó toàn bộ vũ trụ là một không gian nhỏ đến mức, nói chung, nó là một lỗ đen vô cùng bé nhỏ, vô cùng đậm đặc. Và y hệt như các lỗ đen thời hiện đại, trôi nổi trong không gian, các định luật của tự nhiên thúc chế điều gì đó khá đặc biệt. Chúng bảo chúng ta rằng ở đây chính thời gian cũng phải ngừng lại. Bạn không thể đi tới một thời điểm trước Big Bang bởi vì chẳng có thời gian nào trước Big Bang hết. Cuối cùng chúng ta đã tìm được một thứ chẳng có nguyên nhân, bởi vì chẳng có thời gian để cho một nguyên nhân nào trước đó tồn tại. Đối với tôi điều này có nghĩa là không hề có khả năng của một đấng sáng thế, bởi vì chẳng có thời gian cho một đấng sáng thế nào đó tồn tại.

Người ta muốn trả lời những câu hỏi lớn, kiểu như tại sao chúng ta ở đây. Họ không kì vọng những giải đáp ấy là đơn giản, vì thế họ sẵn lòng tranh luận thêm đôi chút. Khi người ta hỏi tôi rằng Chúa có tạo ra vũ trụ hay không, tôi bảo họ rằng bản thân câu hỏi như thế chẳng có ý nghĩa gì cả. Thời gian không tồn tại trước Big Bang thành ra chẳng có thời gian cho Chúa tạo ra vũ trụ. Nó tựa như việc hỏi tìm đường đi đến đường biên của Trái Đất – Trái Đất là một quả cầu không có đường biên, nên việc tìm kiếm đường biên là một việc làm phù phiếm.

Tôi có đức tin không? Mỗi người chúng ta đều tự do tin tưởng vào những gì chúng ta muốn tin, và quan điểm của tôi cho rằng lời giải thích đơn giản nhất là không có Chúa. Không có ai tạo ra vũ trụ và chẳng có ai dẫn dắt số mệnh của chúng ta. Điều này đưa tôi đến một nhận thức dễ thấy: có lẽ chẳng có thiên đường hay kiếp sau. Tôi nghĩ đức tin vào kiếp sau chỉ là một suy nghĩ kiểu ước vọng. Chẳng có bằng chứng đáng tin cậy nào cho nó hết, và nó bay lởn vởn trước mọi thứ chúng ta biết về khoa học. Tôi nghĩ khi chúng ta chết, chúng ta quay về với cát bụi. Nhưng có một ý nghĩa trong đó chúng ta sinh sống, trong tầm ảnh hưởng của chúng ta, và trong các gen của chúng ta truyền lại cho con cái. Chúng ta có một cuộc đời này để thưởng ngoạn bản thiết kế vĩ đại của vũ trụ, và tôi hết sức biết ơn vì điều đó.

Làm thế nào sự tồn tại của Chúa lắp khớp vào nhận thức của chúng ta về sự khởi đầu và kết thúc của vũ trụ? Và giả sử Chúa tồn tại và bạn có cơ hội gặp ngài, bạn sẽ hỏi ngài về điều gì?

Câu hỏi đặt ra là, “Cách vũ trụ ra đời được Chúa lựa chọn vì những lí do chúng ta không thể hiểu nỗi, hay nó được định đoạt bởi một định luật khoa học?” Tôi tin vào ý thứ hai. Nếu bạn thích, bạn có thể gọi các định luật của khoa học là “Chúa”, nhưng không phải một vị Chúa giống con người mà bạn sẽ gặp và đặt câu hỏi chất vấn. Dẫu vậy, giá như tồn tại một vị Chúa như thế, tôi sẽ hỏi ý ngài về bất cứ thứ gì phức tạp ví như lí thuyết M trong mười một chiều.

Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn | Stephen Hawking

Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm