Sổ tay Giải đáp Thắc mắc Vật lí - Phần 7

Hiệp Khách Quậy Quan niệm của Aristotle và Ptolemy rằng mặt trời, các hành tinh, và các sao đều quay xung quanh Trái đất đã được chấp nhận trong gần mười tám thế kỉ. Nicolas Copernicus (1473–1543), một nhà thiên văn và giáo sĩ người Ba Lan, là người đầu tiên... Xin mời đọc tiếp.

Quan niệm mặt trờitrung tâm của hệ mặt trời phát sinh như thế nào?

Quan niệm của Aristotle và Ptolemy rằng mặt trời, các hành tinh, và các sao đều quay xung quanh Trái đất đã được chấp nhận trong gần mười tám thế kỉ. Nicolas Copernicus (1473–1543), một nhà thiên văn và giáo sĩ người Ba Lan, là người đầu tiên cho xuất bản một quyển sách bàn luận rằng hệ mặt trời là một hệ nhật tâm (mặt trời là trung tâm) thay vì là một hệ địa tâm (Trái đất là trung tâm). Vào năm ông qua đời, ông đã cho xuất bản quyển sách Về chuyển động tuần hoàn của các thiên cầu. Quyển sách của ông đề tặng Giáo hoàng Paul III. Ở trang đầu quyển sách của ông có lời nói đầu phát biểu rằng một hệ nhật tâm là tiện lợi cho tính toán, nhưng có khả năng không phải là chân lí. Lời nói đầu này được viết bởi Andreas Osiander và ông này không hiểu gì về Copernicus. Ba năm sau thì quyển sách bị tuyên án là mâu thuẫn với Kinh thánh, và nó bị Giáo hội Thiên chúa La Mã ra lệnh cấm vào năm 1616. Lệnh cấm đó chỉ được dỡ bỏ vào năm 1835.

Nhà khoa học nổi tiếng nào bị quản thúc tại nhà vì tán thành học thuyết Copernicus?

Galileo Galilei (1564–1642) là người khiến học thuyết Copernicus được công nhận rộng rãi hơn. Vào năm 1632, Galileo cho xuất bản quyển sách của ông, Đối thoại về hai hệ thống thế giới chính. Quyển sách được viết bằng tiếng Italia và trình bày một tranh luận hóm hỉnh giữa ba người: một người ủng hộ hệ thống Aristotle, người thứ hai ủng hộ Copernicus, và người thứ ba là một thường dân thông thái. Học thuyết Copernicus dễ dàng giành phần thắng. Quyển sách được cấp phép xuất bản ở Florence và một năm sau đó thì nó bị cấm. Giáo hoàng Urban VIII, một người bạn thâm niên của Galileo, tin rằng Galileo đã chơi xỏ ông trong quyển sách đó. Galileo bị Tòa án dị giáo triệu tập và áp đặt lệnh quản thúc tại nhà trong suốt quãng đời còn lại của ông. Toàn bộ các tác phẩm của ông đều bị cấm.

Galileo còn nổi tiếng với nghiên cứu của ông về chuyển động; có lẽ ông được biết tới nhiều nhất với một thí nghiệm tưởng tượng sử dụng Tháp nghiêng Pisa. Ông tranh luận rằng một hòn đá nặng và một hòn đá nhẹ được thả ra từ đỉnh tháp sẽ chạm đất đồng thời. Lập luận của ông được xây dựng trên các thí nghiệm sâu sắc với các quả cầu lăn xuống máng nghiêng. Nhiều nhà khoa học tin rằng công trình của Galileo chính là sự khởi đầu của nền vật lí học đích thực.

Galileo Galilei

Quyển Đối thoại về hai hệ thống thế giới chính của Galileo Galilei (1632) biện hộ cho hệ thống Copernicus của hệ mặt trời với mặt trời tại trung tâm và các hành tinh quay tròn xung quanh mặt trời.

Sổ tay Giải đáp Thắc mắc Vật lí
Paul W. Zitzewitz | Trần Nghiêm dịch
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm