Cẩm nang thám hiểm vũ trụ (Phần 16)

Hiệp Khách Quậy Nhật thực toàn phần là một hiện tượng thiên nhiên xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Mặt trời và Trái đất ngay đúng cấu hình thẳng hàng, chặn ánh sáng từ Mặt trời đi tới một số nơi trên Trái đất. Một số người, thường được mệnh... Xin mời đọc tiếp.

ẢNH: MẶT TRĂNG VÀ MẶT TRỜI

sun1

NHẬT THỰC: 1,3 GIÂY ÁNH SÁNG (MẶT TRĂNG) VÀ 8,3 PHÚT ÁNH SÁNG (MẶT TRỜI)

Nhật thực toàn phần là một hiện tượng thiên nhiên xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Mặt trời và Trái đất ngay đúng cấu hình thẳng hàng, chặn ánh sáng từ Mặt trời đi tới một số nơi trên Trái đất. Một số người, thường được mệnh danh là “thợ săn nhật thực”, sẽ khăn gói đi tới hầu như bất cứ nơi nào trên Trái đất để trải nghiệm nhật thực. Pha toàn phần, như trong bản rọi ghép hai ảnh chụp riêng này cho thấy, xảy ra khi cái bóng của Mặt trăng che khuất hoàn toàn đĩa Mặt trời, chỉ còn lại lớp bên ngoài của nó (nhật hoa) là có thể nhìn thấy được. Bức ảnh nhật thực này được chụp ở Thổ Nhĩ Kì vào tháng 3 năm 2006.

Mặt trời

MẶT TRỜI CỦA CHÚNG TA: 8,3 PHÚT ÁNH SÁNG

Khi Mặt trời thịnh nộ, nó phát ra những dòng hạt năng lượng cao có thể gây ra hiện tượng cực quang trên Trái đất và có thể làm gián đoạn hệ thống điện thoại. Chụp bằng ánh sáng tử ngoại, bức ảnh này miêu tả bầu khí quyển xoáy cuộn của Mặt trời, nơi các vòng xoáy liên tục làm biến thiên các vùng năng lượng và từ trường gây ra cái gọi là “thời tiết vũ trụ”.

Mặt trời

TAI LỬA MẶT TRỜI: 8,3 PHÚT ÁNH SÁNG

Loạt ảnh này của Mặt trời chỉ phản ánh ba mươi phút hôm 7 tháng 6 năm 2011. Bạn có thể thấy một tai lửa mặt trời cỡ trung bình (vùng sáng trắng trong bức ảnh trên cùng) và một vòi phun vật chất khổng lồ từ Mặt trời (phần màu sậm). Một cái thùy lớn gồm các hạt vật chất mọc lên hình nấm rồi rơi trở lại Mặt trời. Đài thiên văn Động lực học Mặt trời (SDO) của NASA đã ghi được các bức ảnh trong những vùng năng lượng cao nhất của ánh sáng tử ngoại.

Mặt trời

VÒNG NHẬT HOA: 8,3 PHÚT ÁNH SÁNG

Ảnh chụp cận cảnh này của một trong nhiều cơn bão trên Mặt trời trông giống như là đang nhìn phóng to vào một cơn bão đặc biệt nào đó ở Bắc Mĩ. Cơn bão “trung bình” này trên Mặt trời thật dữ dội và có thể dễ dàng nhận chìm toàn bộ Trái đất. Những cái vòng lọng này vừa đẹp vừa nguy hiểm. Các cấu trúc là chất khí tích điện, hết sức nóng trong khí quyển của Mặt trời. Thỉnh thoảng, những vòng lọng này nổ tung và chất khí nóng rơi trở lại Mặt trời trong một hiện tượng gọi là “mưa nhật hoa”.

Mặt trời

VẾT ĐEN MẶT TRỜI: 8,3 PHÚT ÁNH SÁNG

Các đốm đen trên Mặt trời là cái gì? Chúng là những vết đen mặt trời – các vùng tạm thời có nhiệt độ bề mặt giảm do hoạt động từ tính mạnh. Các tai lửa mặt trời tỏa ra từ các vết đen mặt trời. Sứ mệnh Đài thiên văn Mặt trời và Nhật quyển (SOHO) của NASA/ESA đã ghi lại được vụ phun trào khủng khiếp từ vết đen mặt trời này, nó thổi những hạt năng lượng cao đi tới Trái đất khoảng 48 giờ sau đó. Những sự kiện như vậy có thể làm gián đoạn hệ thống viễn thông qua vệ tinh, nhưng chúng cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng cực quang đẹp mê say mà một số cư dân địa cầu ở những vĩ độ cao phía bắc và phía nam may mắn được chiêm ngưỡng.

Mặt trời

MẶT TRỜI TRONG VÙNG PHỔ HYDROGEN-ALPHA: 8,3 PHÚT ÁNH SÁNG

Nhìn vào Mặt trời dưới ánh sáng phát xạ của các nguyên tử hydrogen (một phần nhỏ của ánh sáng “nhìn thấy”), chúng ta thấy một góc nhìn kịch tính của ngôi sao quê nhà của chúng ta. Chỉ những phun trào từ bề mặt của Mặt trời và các cung khí có thể được nhìn thấy. Các sọc tối là những cột khí nhìn từ trên xuống. Tại góc dưới ở giữa của ảnh, những vệt tối hơn có thể được nhìn thấy. Đây là các vết đen mặt trời, những chỗ bị nén ép trên bề mặt do từ trường phức tạp của Mặt trời gây ra.

Mặt trời

SỰ ĐI QUA CỦA KIM TINH: 140 GIÂY ÁNH SÁNG (KIM TINH) VÀ 8,3 PHÚT ÁNH SÁNG (MẶT TRỜI)

Là một bữa tiệc hiếm hoi đối với các nhà thiên văn học, bức ảnh chụp phơi sáng này cho thấy Kim tinh trong khoảng thời gian 5 giờ khi nó đi qua giữa Trái đất và Mặt trời vào năm 2004. Các lần đi qua xảy ra theo cặp cách nhau tám năm, nhưng mỗi cặp chỉ xảy ra một lần trong một đời người. Những lần đi qua gần đây nhất là vào năm 2004 và vào tháng 6 năm 2012. Nếu bạn đã bỏ lỡ lần đi qua mới đây nhất, thì bạn sẽ phải chờ đến năm 2117 và 2125. Kim tinh quen thuộc nhất với chúng ta dưới dạng đốm sáng rực rỡ nhất trên bầu trời ngay sau hoàng hôn và trước lúc bình minh.

CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Trần Nghiêm dịch
Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm