Giải Nobel Văn chương cho nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc

Hiệp Khách Quậy Không như nhiều người đặt cược, giải Nobel Văn chương 2012 đã thuộc về một người Trung Quốc – nhà văn Mạc Ngôn (Mo Yan, tên thật Guan Moye – Quản Mạc Nghiệp). Xin mời đọc tiếp.

Không như nhiều người đặt cược, giải Nobel Văn chương 2012 đã thuộc về một người Trung Quốc – nhà văn Mạc Ngôn (Mo Yan, tên thật Guan Moye – Quản Mạc Nghiệp).

Ông Mạc Ngôn sinh ra (năm 1955) và lớn lên ở huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Cha mẹ của ông là nông dân. Vào lúc diễn ra Cách mạng Văn hóa, cậu bé 12 tuổi sau này trở thành nhà văn đã rời trường lớp, lúc đầu đi làm nông nghiệp, sau đó thì đi làm trong nhà máy. Năm 1976, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Giải Phóng và trong thời gian này bắt đầu nghiên cứu văn chương và viết lách. Truyện ngắn đầu tiên của ông được in trên một tạp chí văn học vào năm 1981. Bước đột phá của ông xảy ra vài năm sau đó với tác phẩm Củ cà rốt trong suốt (1986, xuất bản ở Pháp với tên gọi Le radis de cristal 1993).

Nhà văn Mạc Ngôn - chủ nhân của Giải Nobel Văn học 2012

Nhà văn Mạc Ngôn - chủ nhân của Giải Nobel Văn học 2012

Trong tác phẩm của ông, Mạc Ngôn phác họa những trải nghiệm thời son trẻ của ông và những đổi thay trên vùng đất Cao Mật quê hương ông. Xu hướng này thể hiện rõ trong tác phẩm Cao lương đỏ (1987, bản tiếng Anh Red Sorghum năm 1993). Tập sách gồm năm truyện phơi bày và khắc họa vùng đất quê hương ông trong vài thập niên hỗn loạn thời thế kỉ 20, với những miêu tả về một xã hội trộm cắp hoành hành, về sự chiếm đóng của phát xít Nhật và cảnh sống nghiệt ngã của tầng lớp bần nông lam lũ. Cao lương đỏ đã được dựng thành phim vào năm 1987, do Trương Nghệ Mưu làm đạo diễn. Tiểu thuyết Cây tỏi nổi giận (1988, bản tiếng Anh The Garlic Ballads 1995) và tác phẩm trào phúng Tửu quốc (1992, bản tiếng Anh The Republic of Wine 2000) được đánh giá là có tính phản động vì chúng chỉ trích mạnh mẽ xã hội Trung Quốc đương thời.

Phong nhũ phì đồn (Báu vật của đời, 1996, bản tiếng Anh Big Breasts and Wide Hips 2004) là một bích họa lịch sử miêu tả Trung Quốc thế kỉ 20 qua lăng kính cuộc sống của một gia đình. Tiểu thuyết Sống đọa Thác đày (2006, bản tiếng Anh Life and Death are Wearing Me Out 2008) sử dụng sự trào phúng để mô tả cuộc sống thường nhật và những biến chuyển dữ dội ở nước Cộng hòa Nhân dân non trẻ, trong khi tác phẩm Đàn hương hình (2004, sắp in bản tiếng Anh Sandalwood Death 2013) là câu chuyện về sự tàn bạo thuở đế chế phong kiến đang sụp đổ. Tác phẩm mới nhất của Mạc Ngôn Ếch (2009, bản tiếng Pháp Grenouilles 2011) phác họa những hệ lụy của chính sách một con độc đoán của Trung Quốc.

Qua sự pha trộn vừa hư ảo vừa thực tế, vừa mang tính lịch sử vừa mang tính xã hội đương đại, Mạc Ngôn đã tạo ra một thế giới khiến người ta nhớ đến những sự phức tạp của cuộc sống như trong các tác phẩm của William Faulkner (Nobel Văn học 1949) và Gabriel García Márquez (Nobel Văn học 1982) trong khi vẫn giữ phong cách văn chương Trung Hoa cổ và văn hóa dân gian truyền thống. Ngoài tiểu thuyết, Mạc Ngôn còn xuất bản nhiều truyện ngắn và tạp luận về những đề tài khác nhau, và mặc dù ông giương mũi nhọn chỉ trích đối với xã hội đương thời nhưng trên quê hương của mình ông vẫn được xem là một trong những tác giả đương đại xuất sắc nhất.

Trần Nghiêm (thuvienvatly.com)
Nguồn: NobelPrize.org

Mời đọc thêm