Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Ngôi trường do một nhóm thanh niên trẻ trên khắp thế giới thành lập, trong đó cậu sinh viên gốc Nepal Surya Karki là người khởi xướng.
Ngôi trường mang tên Maya, có nghĩa là tình yêu trong tiếng Nepal, thành lập năm 2011 từ mong mỏi ấp ủ từ lâu của Karki. Năm 8 tuổi, cậu bé Karki đã phải đi bộ bảy giờ đến trạm xe buýt đi thủ đô Kathmandu để theo học một chương trình học bổng. Không có phương tiện liên lạc về nhà và rồi tiếp tục theo học tại Venezuela rồi đến Mỹ, nhưng Karki luôn mang theo bài học quý giá mà người mẹ thất học dạy cậu chính là: luôn luôn đừng chỉ biết nghĩ cho riêng mình. “Mẹ tìm cách để tôi đi học. Ngày tôi rời nhà, mẹ nói con không phải là người duy nhất phải được học hành... Chính câu nói đó dẫn tôi đi trên con đường này, là phải giúp đỡ những người cần giúp đỡ” - Karki nói.
Cùng với sáu thanh niên khác từ khắp nơi trên thế giới mà Karki gặp tại Kathmandu, họ cùng nhau thành lập Trường Maya. Ngôi trường tiếp nhận khoảng 120 học sinh tuổi từ 4-13 và con số sẽ còn tiếp tục tăng. Các sinh viên bản địa sẽ dạy các em những môn phổ thông trong khi tình nguyện viên nước ngoài sẽ dạy các em kỹ năng tiếng Anh và những bài học ngoài giáo án. Trường không thu học phí nhưng đổi lại các phụ huynh sẽ đến làm tình nguyện hai ngày mỗi tháng để giúp điều hành trường hoặc trồng trọt để tạo nguồn cung. Dự án thật sự gây sự chú ý bởi ở Nepal, giáo dục vẫn còn là một điều xa xỉ với trẻ em nông thôn khi chỉ có 46% trẻ em trường công học lên được cấp II. Không chỉ vậy, các tình nguyện viên của Maya cũng sẽ giúp các nông dân địa phương cách thức làm nông mới, như nuôi gia súc mà không cần hóa chất.
Karki cũng đã đi khắp các hội nghị quốc tế để kêu gọi ủng hộ Trường Maya. Trường Maya của cậu được đánh giá là một trong 25 dự án tiềm năng tại chương trình Thách thức cải tiến xã hội Dell, nhờ đó đem về hơn 4.200 USD để cậu xây một phòng máy tính cho trường. Một giải thưởng khác giúp cậu có thêm 10.000 USD để lập thêm một nông trại. Năm ngoái, nhóm của cậu đã mở thêm hai trường nữa ở Sagarmatha và Jaipate.
Karki mong muốn sẽ mở rộng dự án của mình hơn nữa và những người biết cậu tin rằng đó không phải là sự khoe khoang của một thanh niên. “Cậu ấy biết rằng trong thế giới thực, ta cần phải là một kẻ mộng mơ nhưng đồng thời cũng cần dấn thân thực hiện điều ấy” - điều phối viên Christopher Dekki của Liên Hiệp Quốc nói. Dekki cho biết dự án độc đáo của Karki có thể được nhân rộng khắp thế giới nhờ khả năng tiếp cận tận gốc rễ của nó trong giáo dục.
Nói về mục tiêu của mình, Karki cho biết đơn giản chỉ là “muốn tạo cảm hứng cho các thanh niên suy nghĩ về các ý tưởng và bước ra thế giới để biến nó thành hành động”.
TRẦN PHƯƠNG
(Theo Christian Science Monitor)