Biết tin đỗ thủ khoa ĐH Dược, Lê Đức Duẩn rớt nước mắt vì ước mơ theo nghề Dược tìm thuốc trị bệnh ung thư cướp đi tính mạng cha, anh mình thành hiện thực. Niềm vui chưa trọn thì nỗi lo cơm áo 5 năm tới lại hiển hiện trong đầu tân thủ khoa nhà nghèo.Số phận nghiệt ngãTừ nội thành Hà Nội chúng tôi vượt gần 50km tìm đến làng Nhị Khê (Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội) thăm chàng tân thủ khoa ĐH Dược Hà Nội. Mấy ngày nay, người dân thuần nông, sống ở vùng đất “chiêm khê, mùa thối” ai cũng hớn hở, rộn ràng với câu chuyện lần đầu tiên trong vùng có học sinh đỗ thủ khoa trường có tiếng như ĐH Dược. Ngôi nhà cấp bốn, trống hoác của chàng thủ khoa bỗng trở nên chật hẹp vì hàng xóm đến chung vui.
Đan hàng mây tre, nghề giúp Duẩn vào giảng đường ĐH Dược
“Động lực lớn nhất để em nỗ lực học đỗ ĐH Dược Hà Nội và Học viện Y học Cổ truyền là khát khao tìm ra phương thuốc trị bệnh ung thư. Sau này, những ai mắc căn bệnh này không phải ra đi sớm như bố và anh trai em”, nước mắt lưng tròng Duẩn chia sẻ.
Câu chuyện của chúng tôi, liên tục bị ngắt quãng bởi mẹ con Duẩn phải tìm đủ thứ từ chậu, thùng hứng nước mưa rơi thánh thót từ mái nhà dột tứ bề xuống. Cô Nghiêm Thị Thu - mẹ Duẩn cho biết, năm Duẩn lên 8 tuổi thì anh trai phát bệnh ung thư máu. Chỉ ba tháng sau đó, căn bệnh quái ác này đã cướp đi sinh mạng anh trai Duẩn.
“Hai anh em nó quấn nhau lắm! Ngay cả việc học, hồi đó thằng Tú cũng chỉ bảo Duẩn rất nhiều. Còn chúng tôi chỉ đầu tắt mặt tối kiếm tiền hi vọng nuôi hai anh em nó thành người. Ấy thế mà…!”, cô Thu nghẹn ngào nói.
Chiếc xe đạp cà tàng này đã cùng Duẩn vượt hàng chục km đến trường mỗi ngày.
Anh trai mất, tình cảm của cha, mẹ dành cả cho Duẩn và cậu em trai Lê Đức Dũng (kém Duẩn 7 tuổi). Vậy mà, năm Duẩn 12 tuổi, một lần nữa căn bệnh ung thư lại “gõ cửa” gia đình cô Thu. Lần này nó bám chặt lấy chồng cô - chú Lê Văn Tản. Một lần nữa cô Thu lại vơ vén tiền bạc chạy vạy khắp nơi chữa bệnh cho chồng. Thế nhưng bệnh ung thư gan vẫn kéo chú Tản đi cùng con trai để lại ba mẹ con cô Thu.
Vừa học vừa đan mây treBa sào ruộng chia đều cho ba người, không đủ ăn, đủ đóng tiền học cho con nên từ khi chồng mất, cô Thu gắng gượng vượt qua căn bệnh đau lưng cùng bệnh dạ dầy đeo đẳng gia nhập cùng đám trai tráng trong làng làm nghề phụ hồ xây nhà.
Còn Duẩn, từ khi bố mất, cậu bé hơn 10 tuổi trở thành lao động chính trong gia đình. Ngoài những giờ trên lớp, Duẩn cặm cụi đan hàng mây tre nhặn nhạnh từng đồng giúp mẹ. Mục tiêu mà Duẩn đặt ra là mỗi ngày phải kiếm được hơn 20 nghìn đồng.
Duẩn sẽ viết tiếp ước mơ trên giảng đường ĐH Dược Hà Nội.
“Vào mùa thi, bài vở ngập đầu. Duẩn làm luôn hai việc học và kiếm tiền cùng lúc. Một bên đùi tôi thấy nó đặt hàng mây tre để đan, bên còn lại để sách. Không hiểu nó nhập tâm học kiểu gì, tôi chỉ thấy đến khi mệt thì nó lăn luôn ra giữa nhà ngủ. Kết quả những năm tháng lao động và học tập đó của Duẩn là đỗ thủ khoa trường ĐH Dược”, anh Kiên - hàng xóm kể vể hình ảnh vượt khó của Duẩn.
Duẩn cho biết, có được kết quả như ngày hôm nay cũng nhờ sự đùm bọc rất lớn của làng xóm và thầy cô. “Không có những đồng tiền, bơ gạo mẹ vay của các bác hàng xóm, không có sự giúp đỡ lớm lao của thầy cô trong trường có lẽ em khó có thể theo học hết cấp ba, chứ nói gì đến đỗ đại học”, Duẩn bùi ngùi.
Nhiều thầy cô trong Trường THPT Đồng Quan (nơi Duẩn học cấp ba) chia sẻ, hình ảnh ấn tượng nhất về Duẩn là một cậu bé cao, gầy nhẳng ngày nào cũng vượt gần 10km đến trường trên chiếc xe đạp cà tàng lọt thỏm trong đám bạn. Nhắc đến Duẩn ở trường, nhiều bạn ấn tượng với hình ảnh cậu học trò hiền lành, ít nói, học rất giỏi Toán, Lý, Hóa.
Nhiều người cho biết, để cậu học trò “cưng” của Trường THPT Đồng Quan tiếp tục viết ước mơ, những ngày này, thầy Lê Văn Hưởng - hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan cũng chạy đôn đáo khắp nơi tìn các nhà hảo tâm giúp đỡ Duẩn.
Vậy là, những tháng ngày “cơm nắm, muối vừng” nuôi ước mơ vào ĐH Dược HN của Duẩn đã trở thành hiện thực. Điều chúng tôi thấy hiện rõ trên mặt chàng thủ khoa 29 điểm này là làm sao đi hết chặng đường 5 năm học đại học khi không có mẹ và những cô bác tốt bụng quanh nhà.
“Hoàn cảnh quá khó khăn, trước đây, nhiều lúc em cũng nghĩ đến việc bỏ học ra đầu làng học nghề thợ mộc để kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. Hi vọng ý nghĩ vu vơ đó không xảy ra trong 5 năm em học trường Dược”, Duẩn nói.
Quang Phong
Nguồn:
http://dantri.com.vn