Diễn Đàn Vật Lý | Thư Viện Vật Lý

VẬT LÝ PHỔ THÔNG => LUYỆN THI ĐẠI HỌC => Tác giả chủ đề:: nguyen_lam_nguyen81 trong 06:59:50 pm Ngày 27 Tháng Tư, 2011

Đọc bản đầy đủ ở đây: https://thuvienvatly.com/forums/index.php?topic=4945



Tiêu đề: Mong thầy Nguyễn Văn Đạt trả lời giúp!
Gửi bởi: nguyen_lam_nguyen81 trong 06:59:50 pm Ngày 27 Tháng Tư, 2011
Kính thầy Nguyễn Văn Đạt.
Em Nguyễn Lâm Nguyễn có đôi chút thắc mắc.
Hiện tại em có lấy tài liệu của thầy để tham khảo.
Lời đầu tiên cho phép Lâm Nguyễn cảm ơn thầy rất nhiều về những tài liệu rất công phu và hay của thầy.
Mới đây Lâm Nguyễn có tham khảo tài liệu của thầy về chương  Dao Động điện từ thầy ạ. Tài liệu sau:

http://thuvienvatly.com/home/component/option,com_remository/Itemid,215/func,fileinfo/id,10661/

Lâm Nguyễn có đôi chút thắc mắc kính mong thầy tháo gỡ thắc mắc cho Lâm Nguyễn.
1. Mục 1 Lý thuyết về mạch dao động LC.
Trong mục 4 mối quan hệ về pha thầy có vẽ giản đồ uL và uC ngược pha.
Và uL sớm pha hơn i một góc 90 độ.

Lâm Nguyễn thắc mắc ở chỗ mạch LC như mắc song song vậy uL và uc có như thầy nói hay là một?
2. Câu hỏi trắc nghiệm.
Câu 2: Sự hình thành dao động điện từ trong mạch dao động là do hiện tượng nào sau đây?
A. hiện tượng cảm ứng điện từ.                        B. hiện tượng cộng hưởng điện.
C. hiện tượng tự cảm.                                     D. hiện tượng từ hóa.
Thầy có cho đáp án là B em hơi thắc mắc.

Kính mong thầy giải đáp hộ Lâm Nguyễn cảm ơn thầy nhiều nhé.


Tiêu đề: Trả lời: Mong thầy Nguyễn Văn Đạt trả lời giúp!
Gửi bởi: nguyen van dat trong 09:07:25 pm Ngày 27 Tháng Tư, 2011
Tôi trả lời ý 1 trước.
Bạn vẽ mạch dao động LC ra, đánh dấu hai hai điểm A, B vào hai đầu tụ C.
Bây giờ bạn chọn một chiều dương (Chẳng hạn như ngược chiều kim đồng hồ).
Đi theo chiêu dương đã chọn ta có:
uC + uL = uAB + uBA = 0
Điều đó có nghĩa là uL, uC được biểu diễn bằng hai dao động điều hòa ngược pha nhau.
Mặc dù ở đây L và C có chung điểm A và chung điểm B nhưng không thể nói là L và C mắc song song với nhau được bạn ạ. Vì nếu là song song thì dòng điện trong hai nhánh phải cùng đi từ A đến B hoặc cùng đi từ B đến A.
Dòng điện trong mạch này là một dòng điện kín. Tại mỗi thời điểm, nó giống như dòng điện kín trong mạch điện một chiều ở lớp 11. Ở lớp 11, ta cũng không thể gọi mạch kín gồm nguồn song song với mạch ngoài được.



Vấn đề thứ hai:
Có lẽ, câu này thì chúng ta cần phải suy nghĩ kĩ lại. Mới đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là dòng điện trong mạch LC cũng là dòng điện xoay chiều hình sin, ở đây lại có ZL = ZC nên xảy ra hiện tượng cộng hưởng. Nhưng xem ra, trong các phương án đã nêu thì ta chỉ chắc chắn là phương án D là sai thôi.
Ai có ý kiến gì đóng góp thêm, xin hãy nêu ra để ta cùng thảo luận.

Cám ơn bạn đã quan tâm đến những bài viết tôi đã đưa lên và đóng góp ý kiế. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và có nhiều đóng góp cho thư viện. ;;)


Tiêu đề: Trả lời: Mong thầy Nguyễn Văn Đạt trả lời giúp!
Gửi bởi: nguyen_lam_nguyen81 trong 10:08:11 pm Ngày 27 Tháng Tư, 2011
 [-O<
Cảm ơn thầy Nguyễn Văn Đạt ạ.
Lâm Nguyễn xin có ý kiến với thầy hai ý.
1.Câu hỏi lý thuyết trắc nghiệm theo em là chọn đáp án: Hiện tượng tự cảm.
Xin các thành viên trong diễn đàn cho ý kiến.
2. Còn về uL và uC theo em ở mức độ phổ thông để thi đại học có lẽ ít đề nào hỏi đến uL và cũng không yêu cầu phải phân biệt rõ ràng uL và uC dúng không thầy?

Cảm ơn thầy đã cho Lâm Nguyễn bớt dại đôi phần.


Tiêu đề: Trả lời: Mong thầy Nguyễn Văn Đạt trả lời giúp!
Gửi bởi: Quang Dương trong 10:24:09 pm Ngày 27 Tháng Tư, 2011
Sự hình thành của dao động điện từ trong mạch LC là do hiện tượng tự cảm của cuộn dây và sự tích và phóng điện của tụ
Đối với câu trắc nghiệm của thầy nguyenvandat :
Đáp án D hiển nhiên bị loại
Đáp án B cũng phải bị loại . Hiện tượng cộng hưởng xảy ra khi nguồn ngoài có tần số bằng tần số riêng của hệ . Trong mạch LC làm gì có nguồn ngoài
Đáp án A và C đều đúng . Nhưng nếu đòi hỏi đáp án chính xác rõ ràng ta phải chọn C


Tiêu đề: Trả lời: Mong thầy Nguyễn Văn Đạt trả lời giúp!
Gửi bởi: Huỳnh Nghiêm trong 11:25:50 pm Ngày 27 Tháng Tư, 2011
Mình cũng chọn C thôi. Nhưng mình băn khoăn ở chỗ hiện tượng tự cảm là 1 trường hợp riêng của cảm ứng điện từ mà trong các chọn lựa của câu này có cả cảm ứng điện từ (A). Một số bạn cho là trong trả lời trắc nghiệm phải chọn câu "đúng nhất" hoặc câu "sai nhất", các bạn bên toán bảo "làm gì có chuyện đúng nhất hoặc sai nhất, chỉ có đúng (true) hoặc sai (false). Đề thi của Bộ cũng có một trường hợp:" Nguyên tắc hoạt động của máy quang phổ dựa trên: ...", trong các chọn lựa có cả 'hiện tượng tán sắc' và 'hiện tượng khúc xạ'. Mình thì hiểu rằng chỉ có tán sắc khi có khúc xạ và do đó đệ tử Thiếu Lâm sẽ chọn khúc xạ, còn đệ tử Triệt quyền đạo sẽ chọn tán sắc. Cũng như vậy, thằng bạn ngồi kế bên hồi phổ thông bảo:" Tao gọi con Hương là phụ nữ cũng đúng, mày gọi là trinh nữ cũng đúng".

Sau một hồi linh tinh (các bạn thứ lỗi), mình thấy cho đề trắc nghiệm khó thật!


Tiêu đề: Trả lời: Mong thầy Nguyễn Văn Đạt trả lời giúp!
Gửi bởi: Quang Dương trong 10:53:30 am Ngày 28 Tháng Tư, 2011
Mình cũng chọn C thôi. Nhưng mình băn khoăn ở chỗ hiện tượng tự cảm là 1 trường hợp riêng của cảm ứng điện từ mà trong các chọn lựa của câu này có cả cảm ứng điện từ (A). Một số bạn cho là trong trả lời trắc nghiệm phải chọn câu "đúng nhất" hoặc câu "sai nhất", các bạn bên toán bảo "làm gì có chuyện đúng nhất hoặc sai nhất, chỉ có đúng (true) hoặc sai (false). Đề thi của Bộ cũng có một trường hợp:" Nguyên tắc hoạt động của máy quang phổ dựa trên: ...", trong các chọn lựa có cả 'hiện tượng tán sắc' và 'hiện tượng khúc xạ'. Mình thì hiểu rằng chỉ có tán sắc khi có khúc xạ và do đó đệ tử Thiếu Lâm sẽ chọn khúc xạ, còn đệ tử Triệt quyền đạo sẽ chọn tán sắc. Cũng như vậy, thằng bạn ngồi kế bên hồi phổ thông bảo:" Tao gọi con Hương là phụ nữ cũng đúng, mày gọi là trinh nữ cũng đúng".

Sau một hồi linh tinh (các bạn thứ lỗi), mình thấy cho đề trắc nghiệm khó thật!
Có lẽ chúng ta bị ám ảnh bởi mệnh đề trong toán học mà chân giá trị của nó hoạc đúng hoặc sai
Nhưng theo mình các mệnh đề trong vật lí có thể không phải là các mệnh đề như trong toán định nghĩa !
Lấy ví dụ :
Một con lắc đơn dao động nhỏ không ma sát tại nơi có gia tốc trọng trường g = 10m/s^2. Chu kì dao động nhò của nó
A. bằng 2s
B lớn hơn 2s
C. nhỏ hơn 2s
D. còn tùy thuộc vào chiều dài của con lắc
Các mệnh đề trong các đáp án A ; B ; C không thể nói luôn luôn đúng hoặc sai !
Ý kiến của bạn thế nào ?


Tiêu đề: Trả lời: Mong thầy Nguyễn Văn Đạt trả lời giúp!
Gửi bởi: Huỳnh Nghiêm trong 11:12:32 am Ngày 28 Tháng Tư, 2011
Vấn đề ở đây là "đáp án" của câu trắc nghiệm. Không thể nói chọn lựa A cũng đúng (không phải trong câu của bạn đâu nha) nhưng chọn lựa D đúng nhiều hôn nên đáp án là D. Trong qui cách ra đề trắc nghiệm, chỉ có 1 đáp án duy nhất mà thôi.


Tiêu đề: Trả lời: Mong thầy Nguyễn Văn Đạt trả lời giúp!
Gửi bởi: machtritin trong 12:08:54 am Ngày 03 Tháng Mười Một, 2013
Sự hình thành của dao động điện từ trong mạch LC là do hiện tượng tự cảm của cuộn dây và sự tích và phóng điện của tụ
Đối với câu trắc nghiệm của thầy nguyenvandat :
Đáp án D hiển nhiên bị loại
Đáp án B cũng phải bị loại . Hiện tượng cộng hưởng xảy ra khi nguồn ngoài có tần số bằng tần số riêng của hệ . Trong mạch LC làm gì có nguồn ngoài
Đáp án A và C đều đúng . Nhưng nếu đòi hỏi đáp án chính xác rõ ràng ta phải chọn C
1)Dạ thưa các Thầy cho em hỏi, mình nói thế này được không ạ: HIỆN TƯỢNG CỘNG HƯỞNG là trường hợp đặc biệt của DAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC, còn DAO ĐỘNG TỰ DO thì không liên quan gì đến khái niệm CỘNG HƯỞNG. Phải không ạ?


Tiêu đề: Trả lời: Mong thầy Nguyễn Văn Đạt trả lời giúp!
Gửi bởi: gahn trong 10:06:03 am Ngày 14 Tháng Tư, 2017
Ở đây theo mình nghĩ ở ý số 1, thì uL = uC vì là tụ đóng vai trò như nguồn điện còn cuộn cảm đóng vai trò như một máy thu điện. nên phải bằng nhau chứ không phải ngược pha được. đây là ý kiến của mình nếu có gì sai sót mong mọi người đóng góp.