Diễn Đàn Vật Lý | Thư Viện Vật Lý

HƯỚNG NGHIỆP - TUYỂN SINH - DU HỌC => SINH VIÊN => : Điền Quang 10:02:49 PM Ngày 14 May, 2014

Đọc bản đầy đủ ở đây: https://thuvienvatly.com/forums/index.php?topic=20292



: Tại sao người Mỹ gốc Á học tốt hơn người Mỹ da trắng?
: Điền Quang 10:02:49 PM Ngày 14 May, 2014
Tại sao đại đa số người Mỹ gốc Á lại thường nổi trội trong lĩnh vực học thuật? Một nghiên cứu vừa công bố đưa ra câu trả lời hết sức đơn giản: Họ làm việc chăm chỉ hơn những người khác.

(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/5/5d/Roger_Tsien-press_conference_Dec_07th%2C_2008-2.jpg/225px-Roger_Tsien-press_conference_Dec_07th%2C_2008-2.jpg)
Roger Yonchien Tsien - nhà hóa sinh người Mỹ gốc Á

Nghiên cứu này cũng cố gắng trả lời một câu hỏi phức tạp hơn là tại sao bọn trẻ gốc Á lại nỗ lực nhiều hơn trong học tập và có 2 câu trả lời được đưa ra là: Người châu Á có niềm tin rằng cứ nỗ lực thì sẽ thành công và những người mới nhâp cư có nhiều động cơ để phấn đấu đạt được thành công hơn.

Viết trong công trình nghiên cứu của Học viện Khoa học quốc gia, hai nhà xã hội học Amy Hsin tới từ ĐH Queens và Yu Xie tới từ ĐH Michigan đã phân tích các dữ liệu từ 2 nghiên cứu đại diện ở 2 quốc gia: Nghiên cứu về trẻ ở độ tuổi mẫu giáo – theo dõi trẻ học lớp mẫu giáo vào năm 1998; và Nghiên cứu giáo dục – tìm hiểu về thói quen và thành tích của học sinh trung học năm thứ 2 vào năm 2004.

Nhóm trẻ đầu tiên được theo dõi trong năm học lớp 8. Điểm số của trẻ dựa trên đánh giá của giáo viên về khả năng ở các môn Đọc, Toán học và Kiến thức chung, ngoài ra còn dựa trên “độ tập trung, sự kiên trì và mức độ ham học hỏi”.

Điểm số của học sinh trung học dựa trên điểm trung bình và kết quả trong các bài kiểm tra chuẩn hóa. Ngoài ra, giáo viên cũng theo dõi khả năng tập trung trong lớp, và ghi nhận là học sinh đó có chăm chỉ trong giờ học không.

Các nhà nghiên cứu cho biết khoảng cách về thành tích giữa học sinh Mỹ gốc Á và học sinh Mỹ da trắng lúc đầu gần như rất nhỏ hoặc không có, nhưng dần dần tăng lên, đỉnh điểm là vào năm lớp 10. Điều đó cho thấy sự khác biệt này phản ánh “khác biệt về sự nỗ lực trong học tập chứ không phải khác biệt về khả năng nhận thức”.

Mổ xẻ dữ liệu kỹ hơn, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những yếu tố kinh tế xã hội, chẳng hạn như có một thực tế là trẻ Mỹ gốc Á thường sống trong tình trạng ổn định hơn với một gia đình có đầy đủ bố mẹ với mức thu nhập cao hơn. Và điều này giải thích cho việc nỗ lực học tập không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến khoảng cách người gốc Á và người da trắng.

Vậy điều gì tạo ra sự khác biệt? Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng “sự khác biệt về tình trạng di trú” là yếu tố lớn nhất, tiếp sau đó là “sự khác biệt về định hướng văn hóa”.

“Bất kể sắc tộc nào, người nhập cư cũng tự chọn động cơ để thành công và sự lạc quan của họ về thành công trong tương lai.

“Ở một vị trí mấp mé với tư cách là người mới đến, có rất ít mối quan hệ xã hội và chính trị với nước Mỹ, người Mỹ gốc Á có thể coi trình độ học vấn không chỉ có giá trị biểu trưng cho uy tín xã hội, mà còn là phương tiện, cách thức chắc chắn nhất để tăng tính lưu động” – nghiên cứu này viết.

Tầm quan trọng của yếu tố động lực được củng cố bằng việc phát hiện ra “những lợi thế giáo dục của họ giảm dần qua từng thế hệ”. Có nghĩa là “từ thế hệ người Mỹ gốc Á thứ 3 trở đi sẽ không được hưởng lợi từ nguồn gốc và văn hóa nhiều như thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai”.

Liên quan đến sự khác biệt văn hóa về học tập, “kết quả cho thấy người Mỹ gốc Á không tin vào ‘khả năng bẩm sinh’ nhiều như người Mỹ da trắng, mà họ tin rằng nỗ lực học tập sẽ giúp người ta học giỏi môn toán”. Trong khi đó, quan niệm này có thể xuất phát từ những lời răn dạy của Khổng Tử thì hai nhà nghiên cứu Hsin và Xie lưu ý rằng quan điểm này không chỉ của riêng người Mỹ gốc Hoa, mà còn thấy ở những người nhập cư từ khắp châu Á.

Vậy còn giả thuyết về Mẹ Hổ thì sao? Nghiên cứu cho thấy việc các bà mẹ châu Á kỳ vọng nhiều hơn vào con cái thực sự là một yếu tố đóng góp vào thành công trong học tập của trẻ, mặc dù cách tiếp cận này có vẻ phổ biến ở người nhập cư gốc Ấn hơn là gốc Hoa.

“Phụ huynh khu vực Nam Á có kỳ vọng về giáo dục cao nhất so với người Mỹ da trắng, sau đó đến người Philippines, khu vực Đông Nam Á và Đông Á”.

Ngoài yếu tố có những bà mẹ nghiêm khắc, xu hướng thành công trong học tập “còn được duy trì và củng cố” bởi những yếu tố khác, bao gồm cả việc cộng đồng dân tộc đó ở Mỹ sẽ cung cấp cho những người nhập cư gốc Á mới đến những thông tin về học thêm, gia sư riêng và các lớp ôn thi.

Hai nhà nghiên cứu Hsin và Xie lưu ý rằng có một nhược điểm cho tất cả những thành công học tập này là: học sinh Mỹ gốc Á ít khi thấy tự tin về bản thân, và dành ít thời gian với bạn bè hơn người Mỹ da trắng.

“Những kỳ vọng quá cao về học tập mà người trẻ Mỹ gốc Á phải gánh, cũng như những kỳ vọng mà xã hội và cha mẹ đặt ra cho chúng có thể khiến những người không đáp ứng được kỳ vọng cảm thấy bản thân giống như những kẻ thất bại” – nghiên cứu viết.

Đặt vấn đề thực tế này sang một bên, báo cáo nghiên cứu cũng khẳng định một ý rằng những thành công liên tiếp của người Mỹ gắn liền với thực tế chúng ta là một quốc gia của dân nhập cư – một vùng đất thu hút những người có động lực làm việc chăm chỉ để thành công, và trẻ em Mỹ thấm nhuần những giá trị tương tự. Có lẽ thay vì Mẹ Hổ, chúng ta nên gọi họ là Mẹ Đại Bàng.

Bài viết của nhà báo Tom Jacob

Tác giả Tom Jacob là một nhà báo kỳ cựu với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc ở một tờ nhật báo. Ông từng là phóng viên của tờ The Los Angeles Daily News và Santa Barbara News-Press. Ông cũng từng viết cho những tờ khác như The Los Angeles Times, Chicago Tribune và Ventura County Star.

NGUỒN: vietnamnet