Muc luc
Click để về mục lục

Biến dạng

Từ Kết Cấu Wiki

Biến dạng là sự thay đổi hình dạng, kích thước của một vật thể rắn, kết quả của sự thay đổi vị trí tương đối và khoảng cách giữa các nguyên tử, phân tử, ion... trong vật thể do tác dụng của lực, do thay đổi nhiệt độ, độ ẩm... hoặc do thay đổi cấu trúc nội tại. Biến dạng xuất hiện do sự thay đổi trị số của các lực tương tác giữa các nguyên tử. Về mặt toán học, nếu gốc toạ độ là O, thì mỗi điểm M của vật thể rắn, sau Biến dạng sẽ đến một vị trí mới M' và ta có phép biến đổi vectơ: . Trong những giới hạn thường gặp và xét ở lân cận mỗi điểm, f có thể coi là tuyến tính và ứng với nó ta có một ma trận; ma trận này cho ta một tenxơ (εij) (xem thêm Tenxơ) gọi là tenxơ Biến dạng. Tenxơ này đối xứng (εij = εji) nên nhiều nhất chỉ có 6 thành phần độc lập. Các loại vật liệu Biến dạng theo những quy luật khác nhau. Có hai loại Biến dạng cơ bản: 1) Biến dạng đàn hồi, tức là Biến dạng sẽ mất đi khi không còn lực tác dụng từ bên ngoài lên vật thể; vd. kéo một dây cao su hoặc nén một lò xo với một lực vừa phải rồi bỏ lực đi, dây và lò xo trở về trạng thái ban đầu. Biến dạng đàn hồi tỉ lệ thuận với lực tác dụng. 2) Biến dạng không đàn hồi gọi là Biến dạng dẻo, biến dạng không phục hồi được; vd. miếng chì hoặc sợi nhôm bị cong sau khi bẻ, vv. Biến dạng dẻo không có lợi đối với những kết cấu và chi tiết máy làm việc, nhưng lại cần thiết trong những công nghệ rèn, dập, uốn, tạo hình dạng mong muốn cho vật liệu. Về hình thức, có ba loại Biến dạng: co, dãn và trượt. Thường dùng dụng cụ tenxơmét để đo Biến dạng.

Liên kết ngoài

Lấy từ “http://vi.ketcau.wikia.com/wiki/Bi%E1%BA%BFn_d%E1%BA%A1ng