Lời nói đầu

LỜI NÓI ĐẦU

             

            Sự bùng nổ của Công nghệ thông tin (CNTT) nói riêng và Khoa học công nghệ nói chung đang tác động mạnh mẽ vào sự phát triển của tất cả các ngành trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, nếu muốn nền giáo dục phổ thông đáp ứng được đòi hỏi cấp thiết của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nếu muốn việc dạy học theo kịp cuộc sống, chúng ta nhất thiết phải cải cách phương pháp dạy học theo hướng vận dụng CNTT và các thiết bị dạy học hiện đại phát huy mạnh mẽ tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành và hứng thú học tập của học sinh để nâng cao chất lượng đào tạo.

            Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chọn năm học 2008-2009 là "Năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2012, việc ứng dụng CNTT trong dạy học là một điều hết sức cần thiết và là một xu hướng không thể cưỡng lại khi muốn đổi mới phương pháp dạy học “quan niệm lấy người học làm trung tâm”.

             Và thông thường các quý thầy cô giáo và các em học sinh mong muốn có những thông tin chính xác để phục vụ cho việc dạy và học của mình thì Internet - nguồn tài nguyên vô tận, sẽ được khai thác đầu tiên. Nhưng ở việc làm này, ta tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Kế tiếp đến là ở các sách tham khảo tồn tại tràn lan trên thị trường mà sự quản lí và thẩm định chất lượng chúng chưa chặt chẽ khiến người đọc còn nhiều băn khoăn, thắc mắc, tranh cãi, ...

             Hiện nay, chúng ta đang thực hiện việc đổi mới rất mạnh mẽ về nội dung và phương pháp dạy học ở bậc trung học phổ thông. Đối với các môn khoa học thực nghiệm nói chung và môn Vật lí nói riêng thì việc đổi mới đó gắn liền với việc phải tăng cường sử dụng thí nghiệm trong quá trình dạy - học. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn vì nhiều nguyên nhân: thiết bị thí nghiệm còn thiếu thốn và chưa đồng bộ; phòng bộ môn chưa có hoặc đã có thì việc sắp xếp, quản lí và bảo quản các trang thiết bị - đồ đùng dạy học chưa hợp lí và khoa học; Có những thí nghiệm khó thực hiện thành công vì nhiều điều kiện như do thời tiết quá nóng, quá lạnh, ẩm; thiết kế dụng cụ khá phức tạp, nặng, cồng kềnh, hoặc quá nhỏ khó quan sát; nguồn điện không ổn định; hiện tượng không rõ rệt; độ chính xác chưa cao, ...; có các hiện tượng Vật Lí trừu tượng, chưa thể thực hiện thí nghiệm để quan sát thấy; có những bộ thí nghiệm khá đắt tiền; có những thí nghiệm biểu diễn, chứng minh về chất lượng và số lượng chưa đủ để đảm bảo tốt (thời lượng, hiệu quả…) trong quá trình dạy học; việc lắp ráp và tiến hành các thí nghiệm đòi hỏi nhiều thời gian trong khi thời gian nghỉ chuyển giữa hai tiết chỉ có từ 5 phút đến 10 phút; thí nghiệm không đảm bảo thành công nhanh;… Bên cạnh đó thì có một nguyên nhân rất quan trọng là năng lực thí nghiệm của giáo viên trên thực tế còn nhiều hạn chế. Sự hạn chế đó thể hiện cả ở mặt kĩ thuật lắp ráp và tiến hành các thí nghiệm lẫn phương pháp sử dụng các thí nghiệm đó trong giờ học sao cho tăng cường được hoạt động nhận thức tự chủ, sáng tạo của học sinh. Điều đó đặt ra vấn đề là muốn thành công trong việc đổi mới phương pháp dạy - học Vật lí ở trường phổ thông thì trước hết phải thành công trong việc bồi dưỡng để nâng cao được năng lực thí nghiệm cho giáo viên Vật lí. Trong nhiều năm qua, việc bồi dưỡng thí nghiệm cho giáo viên Vật lí vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn. Tuy nhiên, việc tổ chức các lớp tập huấn này không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế với số lượng giáo viên rất lớn, đồng thời nội dung của chương trình cũng rất phong phú.

             Kính thưa quý thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh (CMHS) cùng các em học sinh (HS) thân mến! Hiện nay có rất nhiều CLB Gia sư, trung tâm(hoặc công ty) dạy kèm, bồi dưỡng văn hoá, luyện thi đại học tràn lan chưa được các cấp chính quyền quản lí và kiểm định chất lượng đầy đủ. Nhiều CMHS rất hoang mang, không yên tâm việc học của con em mình.

             Vì vậy, tôi đã mạnh dạn xây dựng CD “Sách giáo khoa điện tử Vật lí 10” bám sát chương trình chuẩn, bám sát thực tế có phần "Em có biết" và "Bài học thêm" để dành cho các học sinh khá - giỏi). CD này đã được biên soạn công phu, cẩn thận, trình bày dưới dạng Web.

             Sản phẩm này có sử dụng một số tư liệu của các đồng nghiệp và của các website (*). Với phương châm đơn giản, rẻ tiền, giao diện thân thiện, hiệu quả và phổ biến cao, tôi hy vọng sẽ giúp các quý thầy cô giáo trong việc soạn giảng tốt hơn. Với CD "Sách giáo khoa điện tử Vật lí lớp 10", các em HS có thể tự học, tự nghiên cứu, tự kiểm tra - đánh giá. Đồng thời, nó cũng giúp cho các giáo viên và học sinh có thể tự học cách làm thí nghiệm cũng như tự học phương pháp sử dụng các thí nghiệm đó trong dạy - học. Qua đó, các em HS có niềm tin, gần gũi với Vật lí học; thích thú, say mê tìm hiểu khoa học.

 

             Biến từ ý tưởng thành hiện thực chỉ trong 1 năm, tất yếu không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong mọi sự đóng góp ý kiến phản hồi từ mọi người để các phiên bản sau hoàn thiện hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn! Chúc các quý thầy cô giáo cùng các em học sinh thành công trên con đường dạy và học!

  Bien tap boi Le Thai Trung

MỤC TIÊU

HƯỚNG DẪN


(*) Xem thêm tài liệu tham khảo

Đà Nẵng, tháng 7 năm 2010

Bản quyền thuộc về Lê Thái Trung - GV Vật Lí & Công Nghệ - Trường THPT Phạm Phú Thứ - TP Đà Nẵng

Website: http://ltt-physics.violet.vn - Email: lethaitrung@moet.edu.vn - Tel: 0905417191